đẫm tính nhân đạo” và hy vọng hai bên sẽ đàm phán chân thành trên tinh
thần hiểu biết lẫn nhau.
Đáp lời, Hồ cám ơn sự đón tiếp nồng nhiệt dành cho ông, nhấn mạnh,
Paris là cái nôi của những lý tưởng cao cả của Cách mạng Pháp năm 1789.
Hồ dự đoán đàm phán sẽ khó khăn nhưng sẽ thành công nếu cả hai bên
phương Đông và phương Tây thấm nhuần tư tưởng “không làm với người
khác những điều mà không muốn người khác làm với mình”.
Ngày hôm sau, Hồ Chí Minh đi bộ trên đại lộ Champ-Elysees, đặt hoa tại
Đài Chiến sĩ vô danh tại Khải Hoàn Môn. Khi nhà báo lưu ý ông có một
đám đông kéo theo. Hồ mỉm cười đáp: “Tại sao ư? Dĩ nhiên, mọi người
muốn xem Charlie Chaplin của Việt Nam như thế nào”. Ông cũng thăm
Cung điện Versailles, nổi tiếng với tất cả người Việt Nam do lời thỉnh cầu
nổi tiếng của Hồ với các lãnh tụ Đồng Minh tại hội nghị hoà bình sau Thế
chiến I. Sau khi dừng ở lăng Napoleon tại Les Invalides, ông vãn cảnh núi
Valerian, đồi Montmartre, nơi có đài tưởng niệm những người yêu nước
Pháp bị Đức hành hình trong Thế chiến II.
Cuối cùng, những cuộc hội đàm chính thức bắt đầu ngày 6-7-1946 tại
cung điện Fontainebleau. Đứng đầu đoàn đại biểu Pháp là Max Andre,
người từng đến Đông Dương theo lệnh De Gaulle hồi tháng 1-1946. (Cao
uỷ d'Argenlieu đã từ Sài Gòn bay về Paris với hy vọng chủ trì đoàn đại biểu
Pháp, nhưng chính phủ Bidault từ chối đề nghị của d'Argenlieu vì lo ngại
phản ứng chống đối của phía Việt Nam và công chúng Pháp). Đoàn đại
biểu Pháp có thành phần chính trị tương đối hỗn hợp gồm cả đảng viên
Đảng cộng sản Pháp, Đảng Xã hội và Phong trào Nhân dân Cộng hoà
(MRP) của Bidault.
Tình thế khi bắt đầu những cuộc thương lượng hoà bình thật là bất lợi
với Việt Nam. Trong những tuần lễ tiến hành hội nghị, tình hình ở Đông
Dương xấu đi nhanh chóng. Ngày 1-6-1946, Chính phủ lâm thời Nam Kỳ
do Nguyễn Văn Thinh cầm đầu nhậm chức tại Sài Gòn. Cùng tháng ấy,
cũng thảo luận vấn đề Pháp hoặc Việt Nam sẽ chiếm Phủ Toàn quyền ở Hà
Nội sau khi quân Tưởng rút đi. Ngày 25-6, quân Pháp bất ngờ chiếm Phủ