chiến đấu ở Đông Dương, đồng thời bắn tin rằng sẽ có viện trợ nếu Pháp
chấp thuận độc lập thực sự cho quốc gia thân thiện mới này. Nhưng vấn đề
này vẫn gây ra tranh cãi ngày càng mạnh trong Bộ ngoại giao Mỹ. Quan
chức vụ châu Âu lập luận rằng công nhận chính phủ Bảo Đại là cách nhân
nhượng Pháp, nhưng quan chức Vụ châu Á cho rằng việc công nhận sẽ làm
xa lánh những lực lượng dân tộc chủ nghĩa ở Việt Nam và những nơi khác.
Tháng 6, Acheson thuyết phục Pháp nhượng bộ thêm, nhưng sau khi đại sứ
Bruce cực lực phản đối rằng những hành động đó sẽ làm Pháp phản ứng,
Acheson (vốn là dân gốc châu Âu) lùi bước, chỉ thị Bruce thông báo cho
Pháp biết những hành động của Mỹ trong tương lai sẽ phụ thuộc vào việc
thực thi Hiệp định Hiệp định Elysée. Chỉ còn lại rất ít quan chức Mỹ tiếp
tục phát biểu chống lại giải pháp Bảo Đại. Raymond Fosdick, cựu chủ tịch
Quỹ Rockefeller Foundation và thành viên chủ chốt nhóm cố vấn cho chính
quyền Truman về chính sách châu Á, khuyến cáo, thí nghiệm Bảo Đại sẽ
thất bại và Hiệp định Elysée chỉ là “chuyện làm ăn lèm nhèm” và “vật thế
chấp rẻ tiền” cho độc lập. Dù Fosdick công nhận rằng Hồ Chí Minh không
phải là sự lựa chọn hấp dẫn, song ông cho rằng Hồ là một nhân tố không
thể tiên đoán được do những mối quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc và
Việt Nam, cái đó “cuối cùng có lợi cho chúng ta hơn”.
Quan điểm của Fosdick không có tiếng vang ở một thành phố mà vấn đề
cộng sản bây giờ được nhìn trong bóng mây đen Chiến tranh lạnh. Sự hình
thành nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ngày 1-10-1949, đã đổ thêm dầu
vào ngọn lửa của Quốc hội đả kích chính quyền Truman không có chính
sách chống lại sự lan toả “làn sóng đỏ” ở châu Á. Trong những tháng cuối
năm, Washington vẫn chưa quyết định vấn đề chống lại áp lực của Pháp
chiến đấu ở Đông Dương và hy vọng Paris sẽ chấp nhận thêm quyền tự trị
nhiều hơn cho chính quyền Bảo Đại.
Tuy nhiên, việc Quốc hội Pháp chính thức phê chuẩn Hiệp định Elysée
ngày 29-1-1950, kết hợp với những báo cáo của Pháp về sự giúp đỡ của
Trung Quốc cho Việt Minh, đã thay đổi tương quan.