Đầu tháng 2-1950, Nhà Trắng quyết định công nhận về mặt ngoại giao
chính phủ Bảo Đại. Bản dự thảo nhanh chóng được chính phủ thông qua và
tổng thống đặt bút ký. Anh và một số nước khác theo gương Mỹ, dù những
nhà ngoại giao Mỹ hết sức vận động, đa số chính phủ ở châu Á từ chối theo
Mỹ. Ngay sau đó Nhà Trắng chấp nhận yêu cầu viện trợ quân sự của Pháp
trong cuộc chiến chống lại làn sóng đỏ ở châu Á. Ngày 10-3-1950, Truman
thông qua gói viện trợ quân sự trị giá 15 triệu đô la cho Đông Dương, và 10
triệu đô la cho Thái Lan. Mỹ cũng cử những phái đoàn cố vấn tới Đông
Dương để thực hiện tốt nhất chương trình này.
Nhóm liên lạc Trung Quốc do La Quý Ba cầm đầu vượt biên giới Việt
Nam ngày 26-2-1950. Họ được Võ Nguyên Giáp và Hoàng Văn Thái tiếp
đón. Hoàng Văn Thái là Tổng tham mưu trưởng dẫn nhóm này đến căn cứ
địa Việt Minh ở Việt Bắc. Tại đây nhóm La Quý Ba gặp Tổng bí thư
Trường Chinh - thay mặt Đảng khi Hồ Chí Minh vắng mặt, do đang ở
Trung Hoa và Liên Xô.
Ba tuần lễ sau khi Hồ lên đường đi Trung Quốc, cuối tháng 12-1949,
Trường Chinh triệu tập cuộc họp dài ngày với các nhà lãnh đạo dân sự và
quân sự thảo luận những kế hoạch tổng tấn công sắp tới. Hội nghị ra bản
Nghị quyết Hội nghị toàn quốc lần thứ III tỏ rõ tin tưởng triển vọng vào
thắng lợi cuối cùng. Tại hội nghị, Trường Chinh tuyên bố với sự hình thành
nước Trung Hoa mới: “Chúng ta không còn bị vây hãm nữa; con đường ra
thế giới đã mở ra cho Việt Nam. Chúng ta bây giờ đã có một đồng minh lớn
mạnh bên cạnh”. Để chuẩn bị cho tổng tấn công, ngày 21-2 giới lãnh đạo
đảng kêu gọi tổng động viên nhân lực dưới khẩu hiệu “Tất cả cho mặt trận,
tất cả cho chiến tranh nhân dân, tất cả cho thắng lợi”.
Chắc chắn sự hiện diện Giải phóng quân Trung Quốc tại biên giới Hoa-
Việt làm thay đổi cục diện chiến tranh Pháp-Việt. Ít nhất Trung Quốc bây
giờ cung cấp cho Việt Minh những khu trú ẩn an toàn, trong trường hợp
phải rút chạy khi Pháp tấn công. Quan trọng chẳng kém, đó là sự có mặt
những lực lượng hùng hậu phía bắc biên giới Đông Dương gây khó khăn
cho Pháp trong nỗ lực chống lực lượng kháng chiến ở Việt Bắc. Tình hình