tham dự Hội nghị lần thứ XIX Đảng cộng sản Liên Xô. Vào cuối tháng 9-
1952, kế hoạch tấn công căn cứ của Pháp tại Nghĩa Lộ được thông qua.
Ông Hồ về Việt Nam tháng 12-1952.
Vào giữa tháng 10-1952, ba sư đoàn của Việt Minh tấn công căn cứ của
Pháp ở Nghĩa Lộ. Các đơn vị của Pháp rút lui về vị trí đóng quân gần đó ở
Nà Sản và Lai Châu, bỏ vị trí Sơn La, cách Nghĩa Lộ khoảng 40 dặm (65
cây số) về phía tây. Quân Việt Minh chiếm Sơn La, tập trung tấn công Nà
Sản nhưng không thành công, tổn thất hàng ngàn quân. Nhưng thất bại
không chiếm được Nà Sản chỉ là tạm thời. Vào đầu mùa Xuân năm sau,
Việt Minh tập kết, tiến quân sang phía bên kia biên giới Lào, chiếm Sầm
Nưa, đe doạ kinh đô Luang Prabang. Sau khi buộc quân Pháp phải phân tán
lực lượng, quân Việt Minh trở về Việt Bắc.
Trong suốt giai đoạn này, Hồ Chí Minh vẫn là người vô hình đối với thế
giới bên ngoài, một nhân vật huyền bí không được nguồn tin đáng tin cậy
nào của phương Tây nói đến từ mùa Xuân năm 1947. Ở Hà Nội, có một số
người dựa trên tin là ông ốm liên miên trong thời gian sau Thế chiến II,
đoán ông đã chết và thậm chí còn bị đày ở Trung Quốc vì chống lại sự có
mặt ngày càng tăng của quân đội nhân dân Trung Hoa. Các nguồn tin tình
báo của Pháp khẳng định, ông vẫn sống dựa vào bức ảnh của báo Nhân
Đạo (L’Humanité) chụp khoảng tháng 7-1952. Cuối cùng Joseph Starobin,
nhà báo tờ Daily Worker (Công nhân hàng ngày) đã gặp ông tại một địa
điểm bí mật ở Việt Bắc tháng 3-1953, đăng bài phỏng vấn lên báo của các
nước nói tiếng Anh.
Tuy nhiên, ở vùng giải phóng, Hồ Chí Minh là người ai cũng biết đến,
ông là nhà chiến lược chiến tranh, người lãnh đạo và cổ động viên chính
cho sự nghiệp cách mạng. Tháng 2-1952, một tù binh Pháp được thả cho
biết, người ta thấy ông Hồ ở khắp nơi, ở mặt trận, ở trong làng, trên đồng
ruộng và trong các cuộc họp cán bộ địa phương. Ăn mặc như một nông
dân, ông liên tục tiếp cận những người theo ông, vui đùa với họ, khuyến
khích họ hy sinh tất cả vì mục tiêu chung. Mặc dù điều kiện sống ở vùng
giải phóng có phần tốt hơn những tháng cuối cùng của Thế chiến thứ Hai,