gia đình bà trong cuộc xung đột. Cán bộ cải cách ruộng đất bắt giam những
địa chủ bị buộc tội đàn áp dân nghèo. Và rồi:
“Họ xử địa chủ tại phiên toà mở tại chỗ, được chuẩn bị cẩn thận để
những phiên toà này thể hiện ý chí của nhân dân. Khoảng 10 nông dân
nghèo từng chịu đau khổ nhất, căm thù địa chủ nhất được chọn và chuẩn bị
sẵn từ trước để tố cáo địa chủ trước toà. Khi nông dân lần lượt tố cáo địa
chủ ở toà, các nông dân nghèo khác sẽ hô to: “Đả đảo địa chủ” để tăng
bầu không khí thù địch. Nếu là án tử hình, địa chủ sẽ bị hành hình ngay tại
chỗ. Nếu là án tù, họ sẽ bị chuyển đi nơi khác. Tài sản của địa chủ phạm
tội bao gồm đất đai, nhà cửa, trâu bò, công cụ bị trưng dụng và phân phối
lại cho những nông dân thiếu thốn nhất”.
Các nhà lãnh đạo Đảng hy vọng những biện pháp như vậy sẽ làm nông
dân nghèo nhất phấn khởi, khuyến khích họ tham gia kháng chiến. Ngày 4-
6-1953, đài phát thanh của Việt Minh đã truyền đi một bức thư, theo đài là
của một phụ nữ nông dân gửi cho Hồ Chí Minh:
“Trong thời gian bị Pháp đô hộ, tôi và con tôi không có cơm ăn và cũng
chẳng có áo mặc. Con của tôi phải đi ở đợ, tôi phải mót khoai, đào củ mài
để sống qua ngày… Cuối năm 1952, nông dân bắt đầu đấu tranh chống địa
chủ bất lương, tàn ác… Nhờ có Chủ tịch, chúng tôi mới có cuộc sống dễ
chịu. Chúng tôi không bao giờ quên ơn này”.
Với các phần tử quá khích thì những biện pháp này chưa đủ vì số nông
dân không có ruộng đất ở vùng giải phóng dù đã giảm nhưng vẫn ở mức
15% dân số. Tại Hội nghị nông nghiệp toàn quốc tháng 11, Trường Chinh
đề xuất phải có chính sách cứng rắn hơn, đệ trình dự án luật cải cách ruộng
đất mới cho phép tịch thu ruộng đất và tài sản của toàn bộ giai cấp địa chủ.
Thái độ của Hồ Chí Minh với dự án luật này chưa bao giờ rõ ràng, mặc
dù rất có thể ông đã có lý do chống lại chương trình cải cách ruộng đất tiến
hành quá chặt chẽ đến mức phân hoá các phần tử trung dung. Tuy nhiên,
nhu cầu về nhân lực của cách mạng cuối cùng đã thắng thế. Trong một diễn
văn đọc trước Quốc Hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vài tuần sau
Hội nghị nông nghiệp toàn quốc, ông Hồ công nhận, các chính sách trước