Vì thế Trung Quốc đồng ý cung cấp một khoản viện trợ lớn cho Việt
Nam Dân chủ Cộng hoà trong cuộc chiến đấu với Mỹ. Nhưng có những
dấu hiệu cho thấy mối bất hoà giữa Trung Quốc, Liên Xô, và Việt Nam
Dân chủ Cộng hoà. Trong cuộc phỏng vấn của Edgar Snow tháng 1-1965,
Mao Trạch Đông đã làm cho Bắc Việt Nam sợ những lời phát biểu của ông
sẽ khuyến khích Mỹ tin có thể leo thang chiến tranh ở Nam Việt Nam mà
không sợ bị trừng phạt. Sau đó, vào tháng 7-1965, Bắc Kinh từ chối đưa
phi công chiến đấu giúp Bắc Việt Nam bảo vệ không phận. Trong một bài
báo, được coi là một thông điệp gửi Hà Nội, nguyên soái Lâm Bưu kêu gọi
Việt Nam phải “tự lực cánh sinh”, giống như Trung Quốc đã làm trong nội
chiến với Tưởng Giới Thạch. Lê Duẩn giận dữ phản đối và bỏ đi Liên Xô,
nơi ông ca ngợi là “tổ quốc thứ hai”.
Việc Trung Quốc từ chối đưa phi công chiến đấu sang Việt Nam Dân chủ
Cộng hoà có thể do Bắc Kinh thay đổi quan điểm. Mùa Xuân và mùa Hè
năm 1965, Moscow công khai đề nghị Trung - Xô phối hợp giúp đỡ Việt
Nam Dân chủ Cộng hoà thì ở Bắc Kinh nổ ra tranh cãi nảy lửa về vấn đề
Trung Quốc nên dính líu vào cuộc xung đột này ở mức độ nào. Một số nhà
lãnh đạo Trung Quốc cho đó là “nghĩa vụ quốc tế” giúp đỡ nước anh em
đang kiệt sức, còn những người chống Liên Xô cho Moscow mưu mô xảo
quyệt để đẩy Trung Quốc đối đầu trực tiếp với Mỹ. Cuối cùng, Bắc Kinh
bác bỏ đề nghị của Liên Xô cùng thống nhất hành động, đồng thời cảnh báo
Bắc Việt Nam về sự xảo trá Liên Xô. Trong chuyến thăm Quảng Châu
tháng 11-1965, Chu Ân Lai cảnh giác Hồ Chí Minh, sự giúp đỡ của Liên
Xô cho Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhằm cô lập Trung Quốc và cải thiện
mối quan hệ Mỹ - Liên Xô và khuyên Hà Nội từ chối sự giúp đỡ của Liên
Xô.
Số lượng quân đội Mỹ ở miền Nam tăng đều đặn trong năm 1965, đến
cuối năm 1965 lên đỉnh cao 200.000 quân. Nhận thấy chiến lược Mỹ ở
Nam Việt Nam đã leo thang từ “chiến tranh đặc biệt” thành “chiến tranh
hạn chế” với sự tham gia hoàn toàn lính chiến đấu Mỹ, tháng 12-1965, Ban
Chấp hành Trung ương Đảng thông qua kế hoạch đưa số lượng lớn quân