CUộC KHáNG CHIếN
Mặc dầu bọn vua chúa ươn hèn, mặc dầu địch đang chiếm ưu thế và mặc
dầu chế độ quân chủ đã làm cho dân chúng quen lạnh nhạt, bàng quan, dân
chúng cũng không thể chịu ách ngoại bang mà không bền bỉ chống lại. Lúc
mới thấy các tàu chiến lớn và súng ống tinh xảo thì ngạc nhiên, nhưng khi
cảm giác đầu tiên ấy đã qua thì những người yêu nước An Nam liền tổ chức
đấu tranh. Cuộc xâm chiếm Đông Dương bắt đầu từ năm 1858 mãi đến 1909
mới kết thúc. Chính trong thời kỳ này, khi nhà ái quốc Đề Thám
chết thì công cuộc chống Pháp có tổ chức và có vũ trang chấm dứt.
Người anh hùng dân tộc ấy cùng với một ít nghĩa quân kiên quyết của ông đã
chiếm lĩnh cả một tỉnh nhỏ và đương đầu với thực dân Pháp trong nhiều năm.
Trong thời kỳ chiến tranh ở châu Âu, nhiều cuộc bạo động đã nổ ra nhưng lại
bị dẹp tắt ngay trong biển máu. Trong số các cuộc khởi nghĩa đó, cần chú ý
đến cuộc nổi dậy của binh lính An Nam - binh lính sắp được đem sang Pháp -
do ông vua trẻ Duy Tân tổ chức. Sau khi âm mưu bại lộ, vua Duy Tân bị phế
và đày sang châu Phi.
Trong cuộc đấu tranh tuyệt vọng của một dân tộc bị áp bức có nhiều
hành động oanh liệt và nhiều sự hy sinh lớn, giá kể được ở đây để các bạn
biết thì hay lắm, nhưng không thể nói hết được trong phạm vi nhỏ hẹp của
buổi nói chuyện này của chúng ta. Vậy nên tôi chỉ có thể nhắc lại đây một
đoạn hồi ký của phó đô đốc Rêvâye như sau:
"Nếu chúng ta đánh giá một người qua phẩm chất đạo đức chứ không
phải qua những tri thức của người đó, thì chúng ta sẽ bớt kiêu căng về tính
chất cao đẳng của chúng ta đối với người Viễn Đông, những người biết hy
sinh một cách có ý nghĩa.