tôi thấy có ích, nếu phác hoạ ngắn gọn ở đây tình hình của một trong những
thuộc địa lớn nhất của nước Pháp, là Đông Dương.
Nói rằng Đông Dương gồm hai mươi triệu người bị bóc lột,
hiện nay đã chín muồi cho một cuộc cách mạng là sai, nhưng nói
rằng Đông Dương không muốn cách mạng và bằng lòng với chế độ bây
giờ như các ông chủ của chúng ta thường vẫn nghĩ như thế, thì lại
càng sai hơn nữa. Sự thật là người Đông Dương không có một phương
tiện hành động và học tập nào hết. Báo chí, hội họp, lập hội, đi
lại đều bị cấm... Việc có những báo hoặc tạp chí mang tư tưởng
tiến bộ một chút hoặc có một tờ báo của giai cấp công nhân Pháp
là một tội nặng. Rượu cồn và thuốc phiện cùng báo chí phản động
của bọn cầm quyền bổ sung cho cái công cuộc ngu dân của chính
phủ. Máy chém và nhà tù làm nốt phần còn lại.
Bị đầu độc cả về tinh thần lẫn về thể xác, bị bịt mồm và bị giam hãm,
người ta có thể tưởng rằng cái bầy người ấy cứ mãi mãi bị dùng làm đồ để tế
cái ông thần tư bản, rằng bầy người đó không sống nữa, không suy nghĩ nữa
và là vô dụng trong việc cải tạo xã hội. Không: người Đông Dương không
chết, người Đông Dương vẫn sống, sống mãi mãi. Sự đầu độc có hệ thống
của bọn tư bản thực dân không thể làm tê liệt sức sống, càng không thể làm tê
liệt tư tưởng cách mạng của người Đông Dương. Luồng gió từ nước Nga thợ
thuyền, từ Trung Quốc cách mạng hoặc từ ấn Độ chiến đấu đang thổi đến giải
độc cho người Đông Dương. Người Đông Dương
không được học, đúng thế, bằng sách vở và bằng diễn văn, nhưng người
Đông Dương nhận sự giáo dục bằng cách khác. Đau khổ, nghèo đói và sự đàn
áp tàn bạo là những người thầy duy nhất của
họ. Nếu những người xã hội chủ nghĩa lơ là việc giáo dục, thì giai cấp tư sản
thực dân và bản xứ - bọn quan lại - cứ phụ trách giáo dục bằng phương pháp
của chúng. Người Đông Dương tiến bộ một cách rất màu nhiệm và khi thời
cơ cho phép họ sẽ biết tỏ ra xứng đáng với những người thầy của họ. Đằng
sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục,
đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến. Bộ phận ưu
tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến.