Nguyễn Xuân Khánh
Hồ Quý Ly
Chương 3
Con gà chọi của quan cai ngục gáy dồn báo hiệu bình minh. Có lẽ con gà
xoàng nhất trong lũ gà ở đây, bởi vì nó gáy muộn nhất. Tiếng gáy lại quê
mùa, như tiếng ho sù sụ của một ông già, chẳng có khí thế gì hết. Nhưng
nghe nói nó lại là con gà chọi hay... Thời nhà Trần, cái thú chơi gà chọi
được mọi người ưa chuộng. Tại Thăng Long, từ nhà quan đến nhà dân,
không mấy nhà không nuôi gà chọi. Gặp ngày lễ tết, ngoài chợ, ngoài chùa,
dưới gốc đa đầu làng, đâu đâu cũng có đám chọi gà. Gặp buổi thanh bình,
con gà chọi hay, có nhà giầu mua tới vài chục quan tiền. Sử Văn Hoa chợt
thở dài: “Rõ thật lẩm cẩm! Sao lại nghĩ tới gà chọi. Mình có thời giờ đâu,
mà cũng có tiền đâu, để nghĩ tới việc chơi gà,” Bỗng nghĩ miên man, bỗng
nhớ tới người vợ già cô đơn ở cái làng heo hút phía nam kinh thành.
Ngày xưa, hồi trẻ, ông nghèo lắm. Cha mẹ mất sớm, một nhà sư ở vùng Hải
Đông đem ông về nuôi. Thấy ông thông minh, Thiền sư Vân Tiên dạy ông
học. Dạy đủ tao giáo, Nho, Phật, Lão. Sắp đến kỳ vua mở khoa thi, Sư Vân
Tiên bảo:
- Số của con còn nhiều duyên nợ trần gian. Con phải đi thi để gánh hết
duyên nghiệp của mình. Đạo là con thuyền lớn để mọi người cùng đi. Tăng
và tục cũng chẳng khác gì nhau. Con nên nhớ câu: ở đâu có tâm tức là có
đạo.
Văn Hoa lạy tạ thiền sư, khăn gói lên đường ra Thăng Long. Gần đến khoa
thi, anh học trò nghèo Văn Hoa phải đến nghe giảng tại trường học của một
bậc đại nho mở bên bờ sông Tô Lịch, phường Giang Khẩu.
Hàng ngày, Văn Hoa vẫn thường gặp một cô hàng bán rượu đến cửa trường
bán cho các thày khoá. Thấy một anh học trò nghèo, quần áo rách, mặt mũi
sáng sửa, không bao giờ mua rượu, cô lấy làm lạ, bèn lân la hỏi chuyện.
Anh trả lời:
- Quê tôi miền Hải Đông, tiền bạc chẳng dư dật, lấy đâu ra để tiêu xài chè
rượu. Vả lại, tôi ở chùa từ nhỏ... Nhà chùa có ngũ giới, trong đó cấm rượu