Nguyễn Xuân Khánh
Hồ Quý Ly
Phần V - Chương 1
Trần Khát Chân
Trại Mai nằm ở phía Nam kinh đô Thăng Long, nơi có những con đường
lớn đi về các phủ, trấn, lộ phía nam như phủ Thiên Trường, lộ Thanh Hoa,
lộ Diễn Châu v.v...
Trại Mai ở giữa cánh đồng rộng, có một con đường nhỏ dẫn vào. Mùa
xuân, mới bắt đầu đến quãng đường rẽ, ta đã trông thấy một rừng mai trắng
ngát, phớt mầu xanh, mầu của những cây mai trổ hoa và mầu của những
mầm lá non.
Trại Mai là thái ấp của thượng tướng quân Trần Khát Chân (ngày nay dân
Thăng Long còn nhận ra dấu vết của vùng thái ấp qua các địa danh làng
Hoàng Mai, Tương Mai, Mai Động, chợ Mơ, phố Bạch Mai v.v..) Khi Trần
Khát Chân giết được Chế Bồng Nga, cứu nguy cho xã tắc, Thượng hoàng
Trần Nghệ Tôn liền phong cho ông tước Vũ Tiết Quan Nội Hầu. Đất phong
hầu của ông chính là vùng Mơ này. Trước khi Thượng tướng đến ở, vùng
nam Thăng Long đã có cây mơ đặc sản. Thiên hạ đã gọi dân vùng đó là Kẻ
Mơ.
Chỗ gò đất cao mà thượng tướng định xây cất dinh thự có một lão nông đã
ở từ lâu. Căn nhà chỉ là chiếc lều cỏ ông lão làm ruộng, thêm nghề chăn vịt,
nhưng cũng như dân trong vùng, ông vẫn có một vườn mai nhỏ cạnh nhà.
Đặc biệt, trước căn lều của ông cụ, có hai cây mai cổ thụ mà dân kẻ Mơ
vẫn gọi là hai cây mai tổ. Hai cây mai già thuộc loại mai hiếm. Cây đã đẹp,
quả lại ngon. Thường thường, cây mai chỉ sống vài chục năm là giỏi, nhưng
nhờ chất đất đặc biệt ở ngôi gò và nhờ sự chăm sóc khéo léo của ông cụ,
nên đôi lão mai đã sống trên dưới trăm tuổi mà cành lá vẫn xum xuê tươi
tốt. Hôm thượng tướng đến thăm đất, ông cụ nói: Hai cây lão mai này của
các cụ tôi để lại, bao nhiêu tuổi rồi chẳng rõ. Chỉ biết lúc tôi còn bé, chúng
trông đã già côi như thế này rồi. Được cái già cỗi nhưng vẫn còn tráng kiện.
Mỗi năm hai cây cũng cho được bốn thúng quả. Quả to bằng ngón chân cái,
ăn vào ngăm ngăm vị đắng, chẳng chua lắm, cũng chẳng ngọt lắm, đặc biệt,