- Vãn sinh thấy mình mọc cánh. Vâng, đúng là đôi cánh chim. Tự mình vẫy
cánh và thân xác cất lên khỏi mặt đất. Vãn sinh ra sức vẫy, nhưng lạ thật.
Chẳng hiểu đã có một cái gì đó níu kéo lại. Thú thực là ý muốn bay rất cao.
Nhưng không hiểu sao lại chỉ bay được là là trên đầu những ngọn tre, trên
đầu những ngôi nhà. Cảm giác như mình là một cánh diều. Cũng không
phải, vì diều thì đứng im, còn mình thì bay thật sự như một cánh chim -
Vãn sinh cười và tự nói đùa mình - một loại chim không biết bay cao...
Ông Sử bỗng choàng mở mắt, và phát ra một câu nói lạ lùng:
- Cũng là cái may cho cậu đó.
Ông ngoại Trừng chen ngay vào:
- Phản mộng ư? Bay lên trời là điềm gở sao?
- Không gở. Không xấu cũng không tốt. Là cái chí của công tử đấy thôi.
Tức là luỹ tre, nếp nhà, mạt đất còn níu kéo cậu lại, vì cậu gắn bó với
chúng. Nếu không cậu sẽ bay vút lên trời cao, và biết đâu đấy... bầu trời thì
to rộng, ai mà lường hết được cái kết cục.
Nguyên Trừng gặng hỏi cái kết cục, nhưng ông Sử không muốn trả lời.
Giọng nói của ông ngoại kéo Trừng về hiện tại:
- Ông Sử Văn Hoa ốm nửa tháng nay, đó là điều thật lạ.
- Sao lại lạ, thưa ông?
- Mỗi lần ông Sử lên cơn đau đầu, thể nào cũng có một chuyện lạ xẩy ra.
Năm nhà sư Phạm Sư Ôn nổi loạn đốt phá Thăng Long, ông Sử đau đầu dữ
dội đến nỗi nôn mửa cả ra mật xanh mật vàng. Năm kia, đê sông Cái vỡ ở
Châu Hồng, ông Sử cũng đau. Đến năm nay, đúng vào lúc sắp mở hội thề,
ông ta cũng đau. Cơn đau quái lạ! Ông Sử nói với ta nghe như có ai đập
búa trong óc.
Nguyên Trừng cười:
- Hội thề năm nào chả có... Mà hội thề cũng đã xong rồi. Thầy thư lại nói
cho cháu biết trong hội thề chẳng có chuyện gì quan trọng xảy ra.
Cụ Phạm Công cứ như không nghe thấy Trừng nói, cụ tiếp tục bộc lộ dòng
suy nghĩ của mình:
- Điều kỳ lạ là đúng đến ngày hội thề, bệnh ông giảm, đã ngồi được dậy nói
chuyện. Ta bảo nhân ngày quốc lễ xin ông bói cho một quẻ xem vận nước.