Quế này con mua ở vùng Thường Xuân.
Cụ Phạm mở chiếc túi gấm, lấy ra hai chiếc hộp gỗ, mỗi chiếc hộp đựng
một thanh quế rộng dài chừng như cẳng tay. Mặt trong thanh quế được lau
chùi đến bóng nhoáng. Hai đầu thanh quế gắn sáp ong. Cụ gật gù:
- Đúng là loại quế thượng châu, mọc đã trăm năm. Quý vật đấy con ạ.
Nhìn đôi bàn tay già run run cầm hai thanh quế và gương mặt sung sướng
của ông ngoại, Nguyên Trừng cũng thấy vui lây. Người lão bộc đã mang trà
ra. Cụ Phạm nhấp chén trà hỏi:
- Cháu mới về đã biết được tình hình ngày hội thề chưa?
- Sáng nay, viên thư lại đã cho con biết qua tình hình.
- Ta cũng vừa đi thăm bệnh cho ông Sử Văn Hoa ở chùa Sùng quan về.
Nghe nói ông Sử đột nhiên lâm bệnh, không đi dự được hội thề. Ông ấy
vốn có chứng đau đầu.
Đúng vậy, nhưng ít ngày qua đột nhiên đau nặng: Sử Văn Hoa và cụ Phạm
Công vốn là bạn vong niên. Sử mới ngoài năm mươi, cụ Phạm đã ngấp
nghé bát tuần, thêm ông sư chùa Sùng Quang tròn bẩy mươi vốn là bộ ba
tâm đắc. Sử Văn Hoa không phải họ Sử, nhưng làm quan thái sử. Ông học
rộng, tính tình cương trực, văn tài cứng cáp, được vua Nghệ Tông quý
trọng ban cho chữ Sử làm họ, từ đó triều đình gọi ông là Sử Văn Hoa, và
gọi mãi thành quen, đến nay chẳng ai còn nhớ họ cũ của ông là gì nữa. Sử
Văn Hoa có tài chiêm mộng. Việc bói toán, việc đoán mộng trong triều
đình đều do ông làm.
Nguyên Trừng cũng có kỷ niệm về ông nhờ giấc mộng bay. Một hôm, Sử
đến thăm cụ Phạm, gặp Trừng ở Dược thảo am. Trừng đem giấc mộng ra
nói với Sử: vãn sinh đã mơ thấy mình biết bay...
- Chuyện bay ấy có hay xảy ra không?
- Cũng đã nhiều lần
- Xin quý công tử kể cho tỉ mỉ.
- Nghĩa là...
- Nghĩa là bay cao hay thấp? Bay ở đâu? Cảm giác ra sao?...
Ông Sử Văn Hoa, mắt hơi lim dim, vẻ mặt nghiêm trọng, nghe từng lời
Trừng kể.