chuyện sinh sinh hoá hoá; cái chết hoà vào cái sống. Sinh, ấy là vì không
sinh không đặng. Hoá, ấy là vì không hoá không đặng. Cho nên thường
sinh thường hoá. Không lúc nào không sinh không hoá. Âm dương vậy!
Bốn mùa vậy?...
Lần đầu tiên, ông vua con gặp bảy người hiền rừng trúc . Thuận Tôn thích
câu nói của Kê Khang, luận về người quân tử:
“Hành vi của người quân tử là hiền không xét ở chỗ đắn đo rồi mới làm...
Ngạo nhiên quên đức hiền đi, mà đức hiền với độ lượng lại có...
Hốt nhiên cứ theo tâm mà làm, nên tâm với thiện gặp nhau...”
Nhưng trong bảy người hiền thời Nguỵ Tấn ấy Thuận Tôn thích nhất
Nguyễn Tịch, con người dung mạo khác thường, chí khí rộng mở tự nhiên.
Thường đóng cửa đọc sách hàng tháng chẳng ra ngoài. Có khi trèo núi, lội
sông mấy ngày liền không về. Thích rượu, giỏi đàn. Khi đắc ý chợt quên
hình hài mà siêu thần, nhập hoá. Người đời vẫn bảo Nguyễn Tịch là người
điên. Điên ư? Tịch chẳng bao giờ mở miệng bàn lỗi của người khác. Cớ sao
thiên hạ cứ xì xào về Tịch. Ai điên? Thuận Tôn phát hiện ra, ngoài quan
niệm Vô dật khắc kỷ mà Quý Ly dẫn dắt ông vào, còn có quan niệm tiêu
dao phóng dật hầu như đi ngược lại dòng. Ông vua trẻ tuổi bàng hoàng vì
đã mơ hồ hé thấy sự phù du của kiếp sống. Đúng chăng? Sai chăng? Cái
cảm giác phấp phỏng buồn bã của cuộc sống trên ngôi cao, mà nhiều khi
ông đã cảm thấy, hoá ra tiền nhân đã từng suy ngẫm. Ở Bình Than, ông vua
con đã đóng cửa nằm mê man đọc sách cũng như Nguyễn Tịch ngày xưa.
Mới mười bốn tuổi, ông đã lạc bước vào những câu hỏi về lẽ còn mất, sống
chết.
Triều thần nhiều người đọc hai cuốn sách của Quý Ly phản ứng dữ dội,
nhưng chẳng ai trực tiếp phản đối, vì sợ uy thái sư, chỉ có Đoàn Xuân Lôi
đỗ thái học sinh khoa Giáp Tí (1384) làm trung thư thị lang đã dâng thư can
khéo:
Từ sau khi thày Mạnh Tử mất, người làm thầy đều chuyên về môn của
mình, thành thử việc giải nghĩa kinh sách đâm chia tách. Các bậc đại nho
tuy có chỗ đáng khen nhưng vẫn chưa đại thuần; việc giải kinh chưa khỏi
những tì vết. Phải đến Chu Tử ở cuối đời Tống, nối tiếp các tiên nho Hán