Đường, đã chú giải sáu kinh, hiểu ý được thánh nhân, rõ được đạo thánh
hiền, nghiền ngẫm xa rộng, nên lời lẽ chú giải đáng gọi là tập đạo thành,
làm khuôn mẫu cho hậu học. Người sau chỉ mở cho rộng thêm, tô chuốt
cho bóng thêm. Chỉ có thế thôi, chứ sao dám thay đổi, chê cãi, thêm bớt tuỳ
tiện...”.
Thượng hoàng đưa cho Quý Ly xem bức thư. Quý Ly mang về nhà, đề sang
bên lề: “Các nhà khoa bảng của ta thảm hại thế sao! Họ học rộng nhưng chỉ
biết tích cóp nhặt nhạnh câu ý của người đời xưa. Buồn thay! buồn thay!”.
Mặc sự phản đối, thái sư vẫn đưa cuốn Thi nghĩa cho các nữ quan dậy
hoàng hậu Thánh Ngẫu, rồi sau đó sẽ dậy cho toàn thể cung phi.
Còn đích thân ông dậy cuốn Vô Dật Nghĩa cho vua Thuận Tôn. Cả đời, từ
lúc còn trẻ cho đến nay đã về già, thái sư vẫn lấy bốn chữ “vô dật, nãi dật”
làm châm ngôn cho mình. Trong gia đình, ông dậy Nguyên Trừng rồi sau
đó đến Thánh Ngẫu và Hán Thương bốn chữ ấy: “Hãy tránh hưởng lạc, rồi
tự khắc nguồn vui sẽ đến”. Ông nói với các con:
- Phải hiểu nghĩa hai chữ dật hoàn toàn khác nhau. Chữ dật thứ nhất là đam
mê thú vui, chữ dật thứ hai là hưởng niềm vui sướng chính đáng.
Còn nhớ, có một lần Nguyên Trừng mất một ngày ngồi nghe người vũ nữ
Chiêm Thành đánh đàn. Bận ấy ông nổi giận đùng đùng, phạt con một
tháng trời không được ra khỏi buồng học. Ông bảo: Con phải ghi nhớ suốt
đời hai chữ vô dật. Ngoài nghĩa không được ham thú vui, nó còn nghĩa phải
chăm chỉ làm việc. Hai tay luôn phải làm việc. Nếu tay không làm việc, thì
đầu óc phải làm việc. Đừng để con người mình nhàn rỗi. Phải kiếm việc mà
làm. Hết việc rồi, thì đọc sách, vắt óc suy nghĩ. Cứ như thế, ngày này qua
tháng khác, nguồn vui sẽ tới. Cái tinh tuý của thiên Vô dật trong Kinh Thư
nằm ở chỗ ấy. Ngày nay, ông lại đem thiên sách tâm đắc của mình dạy cho
con rể, ông vua trẻ:
- Bệ hạ nên biết, phàm những ai ở ngôi chí tôn, lúc nào cũng cần nhớ đinh
ninh bốn chữ “Vô dật, nãi dật”, bởi vì càng ở ngôi cao người ta càng có
nhiều điều kiện hưởng lạc. Kiệt, Trụ vì ham lạc thú nên thân bại danh liệt
bêu tiếng xấu ngàn thu. Các vua Trung Tông, Cao Tông, Tổ Giáp vì hiểu và
thi hành bốn chữ ấy nên được hưởng ngôi báu dài lâu. Không nói chuyện