lại tức giận như vậy? Cái gì đã làm ngươi tức giận? Hay là ngươi ghen
ghét, ngươi nhớ chủ ngươi, nhớ Thanh Hư chân nhân và không muốn ta
học đạo với người khác. Thôi, ta xin ngươi... Hãy mở lòng...
Con vượn buồn rầu lặng lẽ. Nó không biết thổ lộ những ý nghĩ của nó bằng
cách nào...
Thuận Tôn nghe lời đạo sĩ Nguyễn Khánh, ở lại quán Thông Thánh ít lâu
để đạo sĩ trực truyền cho cách tĩnh tu, học phép trường sinh cửu thị.
Được ba tháng, đạo sĩ Bạch Hạc hỏi:
- Bệ hạ thấy ra sao?
- Bây giờ tai ta đã thấy dửng dưng với đàn ngọt, mắt ta đã hững hờ với sắc
đẹp. Của ngon vật lạ ta nếm cũng chẳng khác chi cơm hẩm tương cà.
- Còn trong lòng thì sao?
- Đạo sĩ hỏi ý ta về lẽ hưng vong ư? thị phi ư?
- Hưng vong thì sao?
- Một chữ đồng Ta đã nhìn thấy phía sau cái sự mất còn.
- Bệ hạ nghĩ gì về lẽ ở - về? Về thôi! Về thôi! Ta đành về thôi! Ta về với
Thiên quân.
Đạo sĩ Bạch Hạc hớn hở:
- Bệ hạ thật sáng láng phi thường. Cái mà bệ hạ đạt được sau một tháng, thì
kẻ phàm phu phải mất hàng đời. Ngay cả như bần đạo cũng phải mất vài
năm. Thời kỳ đầu này vô cùng khó khăn vì ta đang sống trong cõi tục, nó
vốn đậm đà, nay phút chốc phải thay đổi chuyển ngược lại, làm sao cho
lòng lạt lẽo... Điều đó trong đạo gọi là tâm trai, một điều vô cùng quan
trọng cho bậc chân tu, mà cũng rất khó đạt...
- Ước gì ta được như thầy Liệt Ngự Khấu hoà đồng vào cùng trời đất...
- Khi lòng lạt lẽo thì tâm sẽ hư không. Hư không thì sẽ hoà đồng vạn vật.
Ta là gỗ đá, mà gỗ đá cũng là ta. Ta là gió mây, mà gió mây cũng là ta. Lúc
ấy còn lo gì thân ta chẳng như chiếc lông hồng... còn khó gì cái chuyện đi
mây về gió...
Phải nói, vua Thuận Tôn dần dần như mê man đi lao đầu vào việc thấu hiểu
Đạo. Cho đến lúc thượng hoàng Nghệ Tôn ốm nặng, nhà vua mới đành
lòng rời bỏ quán Thông Thánh trở về kinh đô. Thái thượng hoàng nằm trên