ta: “Vì Sử Văn Hoa không biết nịnh nọt, cũng không quá khích đại ngôn, ta
tha cho về. Để cho ông ta được sống làm người chép sử”. Còn bao nhiêu
người dân bình thường khác trông thấy ông nghèo nàn, nhưng nghe nói ông
là người chép sử, ai cũng quý mến, trọng vọng. Thế đấy! “Chép sử” hai chữ
ấy nó thiêng liêng... Vậy làm sao ông có thể phụ những tấm lòng của những
con người như vậy? Sử Văn Hoa bị tống ngục đã lâu vẫn chẳng hề thấy ai
hỏi tới. Sử nghĩ: “Quái lạ! Hay người ta đã bỏ quên ta? Tại sao không thấy
động tĩnh gì? Thực ra, không phải như vậy. Người ta sục sạo đi tìm chứng
cứ, song chẳng tìm thấy gì. Người ta muốn đưa ra chứng cứ giả, song
Nguyên Trừng không nghe. Thả cũng khó, mà giam lại cũng dở. Đình uý ty
biết Sử Văn Hoa nguy hiểm, nhưng để buộc Hoa vào tội chết thì chứng cứ
lại chưa đủ. Còn ý kiến thả Hoa ra cũng chẳng ai dám quyết, bởi vì bắt Hoa
là lệnh của thái sư. Người ta cứ lần lửa, lần lữa mãi. Cuối cùng, có khi lần
lữa cũng là một đối sách hay.
Còn Sử Văn Hoa, những ngày tù ngục đối với ông dần dần cũng quen đi.
Mà cũng có thể nói cuộc sống tù ngục này đã rèn rũa làm cho ông đạt tới
độ chín cũng được.
Còn nhớ khi mới bị giam, ông thất vọng và căm giận. Đôi mắt ông không
chớp, đau đáu nhìn vào hư vô như để tra hỏi. Giá như lúc ấy, những tia mắt
nóng của ông có thể thiêu trụi thế gian, ông cũng chẳng từ. Nhưng vị quan
ngục đã tỉ tê vào tai ông câu chuyện về gà chọi của Trang Tử. Ông bàng
hoàng vì đó là chuyện tu thân. Đối với kẻ sĩ, việc tu thân phải đặt hàng đầu.
Ông không như chú gà chọi lúc đầu chỉ mới nghe tiếng gà lạ đã hăng lên
gáy đáp lại. Nhưng xét câu chuyện, ông mới ở mức thứ hai, nghĩa là nghe
thì chưa sao, nhưng mắt nhìn thấy, lòng còn xáo động. Còn bây giờ, qua ba
tháng trầm luân, ông đã như con gà gỗ, lòng dửng dưng điềm tĩnh, nhưng
khí lực lại tràn trề. Ông tự nhủ với mình: “Ước gì bút lực của ta cũng được
như vậy. Trước kia, ta sôi nổi quá, để bút lực của ta nổi trôi trên trang giấy.
Còn bây giờ, làm sao để ngòi bút ta phác ra được những nét trầm tĩnh, có
thể nó kém bay bướm hơn xưa, nhưng khí lực của nó thì giàn giụa ẩn ngầm
bên dưới...”
Trong buổi lấy cung đầu tiên, Hồ Nguyên Trừng bảo ông: