HỒ QUÝ LY - Trang 340

nhờ sự hoang đường ấy nên ông còn bám vào cuộc sống. Có lẽ nhờ nó nên
ông không tự vẫn, cái điều mà khi mới sa ngục thất ông vẫn hằng trông
thấy ở cuối chân trời, nơi con mắt chòng chọc điên rồ của ông vẫn thường
chằm chằm nhìn vào. Ông thở dài. Số phận thật kỳ lạ, tại sao ông sinh ra
đời lại để làm một sử quan, người chép sử. Cả một đời ông mê man trong
đống sách. Ông vui buồn, giận hờn, căm tức, bi ai, sống cùng số phận của
biết bao nhân vật lịch sử từ xưa tới nay. Ông đã nhìn thấy trong đống giấy
biết bao nhiêu cuộc hưng vong. Ông đã từng nghiên cứu về cuộc đời của
biết bao nhân vật kiệt xuất. Chợt thấm thía nghĩ tới câu: “Thiên địa bất
nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu” .
Mưu sâu kế lạ ư? Tàn bạo giết chóc đến sởn gáy ư? Tư tưởng thâm trầm
nhân nghĩa ư? Cứu dân độ thế ư?... Tất cả rút cuộc cũng chỉ có thể làm cho
cái khí âm dương của đất trời ngơi nghỉ lại trong chốc lát, trong cái thế hoà
hoãn. Cũng ví như kẻ du hành đi trên cánh đồng nắng chang chang bỗng
gặp một gốc cổ thụ bên đường, anh ta dừng chân ngơi nghỉ, để rồi lại tiếp
tục dấn thân vào con đường nắng chang chang trước mặt. Cánh đồng nắng
là chủ yếu, gốc cây bên đường là chốc lát. Điều kỳ lạ: con người phải mất
bao tâm huyết vật lộn để tìm bóng mát ấy, nhưng tại sao phút mát mẻ kia,
cái bóng cây an dịu kia lại chỉ là thoảng qua, chỉ là ngắn ngủi.
Trong cuộc vật lộn lịch sử dài dàng dặc ấy, nhà chép sử chỉ là kẻ vật lộn
trên đống giấy. Ông trói gà không chặt, ông chưa bao giờ biết đến trận mạc
gươm đao, ông chưa bao giờ trải hiểm nguy. Ấy thế mà cái hiểm nguy trên
đống giấy, nghĩ cho kỹ, lại còn gớm ghê hơn cả cái hiểm nguy chốn trận
tiền. Sau khi thi đỗ ông được bổ làm một chức quan khiêm nhường, người
chép sử. Văn Hoa là người nhẫn nại, tỉ mỉ, chăm chỉ đều đặn như một cỗ
máy. Hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, ông cặm cụi ghi chép những sự
việc xảy ra cả trên trời, cả dưới đất, không bỏ sót việc gì. Ngòi bút của ông
có lúc là sâu bệnh, châu chấu, bão lụt, mất mùa; có lúc là náo động cung
đình, tranh quyền cướp vị; có lúc là thắng giặc khải hoàn; có lúc ngòi bút
ông run rẩy theo chân của Chế Bồng Nga vào điên đảo Thăng Long; có lúc
nó ghi tội giết vua; nhưng nó cũng không quên những vụ án oan khuất kêu
trời chẳng thấu...

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.