Lúc này đây, trước mặt Quý Ly là tờ tấu của quan trấn thủ Lạng Sơn báo
cáo tình hình mới biết được từ kinh đô Trung Hoa. Minh Huệ Đế lên ngôi,
vẫn thường lo về mối loạn phiên vương như loạn bảy nước đời nhà Hán,
nên bàn với các địa thần thân tín, tìm cách tiêu diệt những phiên vương vốn
là anh em của mình, một số người đã bị giết. Một trong số các người con
của Chu Nguyên Chương tên là Lệ. Ông làm vua nước Yên tại Yên Kinh
(Bắc Kinh sau này) lấy làm phẫn uất. Ông ta đang rắp tâm chống lại Huệ
Đế. (Ông ta sau này sẽ là Minh Thành Tổ, một ông vua tài giỏi của nhà
Minh, và chính ông đã xâm lấn Đại Việt).
Quý Ly mừng thầm: Trung Hoa lại sắp loạn rồi. lúc này, thời cơ của ta
đây... phải nhanh chóng... Chẳng thể chần chừ được nữa...
Thái sư lại đọc tiếp đến lá thư của viên quan nhà Minh ở Liêm Châu, đòi ta
phải nộp 10 nhà sư, 10 người trai trẻ tuấn tú, có học hành và phải thiến
trước khi đưa sang. Thái sư cười mỉm phê sang bên cạnh:”Chuyển cho nội
thị học sinh Nguyễn Cẩn. Thi hành nhanh chóng, theo như kế hoạch”. Hoạn
quan là một thể chế tai hoạ của Trung Hoa. Nạn hoạn quan lũng loạn ở triều
đại nào của phương Bắc cũng có. Minh Thái Tổ biết rõ. Để trừ hoạ, Chu
Nguyên Chương hạn chế lượng hoạn quan và cấm họ không được dính
dáng vào chính sự. Hoạn quan không có con cái nhưng vẫn còn có gia đình,
anh em, họ hàng, nên danh và lợi vẫn còn. Họ vẫn muốn quyền hành và của
cải dành cho vây cánh, gia đình. Vậy để cắt đứt nhiều nhất nguồn gốc tai
hoạ, Minh Thái Tổ tăng cường dùng những hoạn quan người nước ngoài.
Một hoạn quan Việt ở Trung Hoa chắc hẳn chẳng có giây mơ rễ má nào ở
đó. Họ biết quan hệ với ai, họ vơ vét nhiều để làm gì... Và nếu họ chết đi,
thì của cải của họ lại trở về tay nước Trung Hoa... Chính vì vậy, hàng năm
ta vẫn phải cống một số người thiến cho nhà Minh. Vậy tại sao lại không
dùng cách gậy ông đập lưng ông, cài người của ta vào ở ngay trong cung
cấm của Trung Hoa.
Thái sư Quý Ly tự cười mỉm với mình lần nữa. Ông đọc tiếp tờ tấu của An
Phủ sứ Hải Đông. Các trang trại của cháu chắt cụ Hưng Đạo Vương ở vùng
đó vì chế độ hạn điều và hạn nô, nên không chiêu mộ quân lính nữa. Các
đội quân riêng của các vương hầu nhà Trần bị giải tán. Những điền trang nô