và tam bảo nô được giải phóng đã thành những đoàn người lang thang đi
làm thuê ở khắp vùng. Và lắm kẻ tụ tập thành bè đảng đi ăn cướp, lắm kẻ
được cấp đất cũng không chịu làm ruộng, bởi vì họ không quen làm chủ đất
đai của mình, và cũng không có những kinh nghiệm làm ăn. Họ đã quen bị
sai khiến, nay được thành người tự do cũng không biết xử dụng cái lợi thế
ấy của mình. Rất nhiều người lâm vào cảnh còn khổ sở đói khát hơn lúc
làm nô tì ở điền trang. Những tờ tấu ở trấn Tam Giang, Châu Hồng, Châu
Khoái... cũng nói lên tình hình tương tự. Điều làm Quý Ly bực nhất, đó là
những ẩn ý đằng sau những tờ tấu. Ví dụ có những câu như: “kẻ nông nô
lầm than điêu linh” “lắm kẻ lại quay về điền trang cũ xin làm nô trở lại,
nhưng không được nhận”... Nghĩa là bản thân các viên quan làm tấu sớ,
trong thâm tâm cũng vẫn muốn phục hồi như cũ.
Thái sư thở dài. Ông hiểu rằng chế độ mới được thi hành, chắc chắn còn
nhiều trục trặc. Đúng là ban đầu người dân có thể khổ hơn trước. Tuy
nhiên, thái sư đang nghĩ ra những giải pháp. Ví dụ: Nguyễn Phi Khanh đã
gợi ý cho ông nên thành lập đồn điền ở các vùng đất rộng, người thưa, đưa
dân vào Hoá Châu, vùng Châu Ô, Châu Lý, nơi ấy cần thành lập những
làng Việt mới. Việc đó có lợi vì người dân được no đủ và làm phên dậu của
ta cũng được thêm vững chắc. Quý Ly cũng nghĩ tới việc đặt thêm các sở
tuần thú ở các cửa sông, các nơi trọng yếu, để lùng bắt cướp, cho người dân
được yên ổn.
Chợt nhớ tới chuyện thời Minh Tông, có người dâng sớ nói trong dân gian
có nhiều kẻ lang thang du đãng, không có tên trong sổ, không chịu thuế
dịch. Vua Minh Tông bảo: “Nếu không có kẻ lang thang sao thành được đời
thái bình...”. Thái sư cười mỉm và tự nói với mình: “Còn ta, ta không muốn
trong dân gian có kẻ lang thang. Sắp tới, ta sẽ cho làm sổ hộ khắp nước.
Không một người dân nào được sót. Các xã trưởng sẽ phải trách nhiệm chú
ý đến từng người dân, cấp đất cho họ làm ruộng, và nhất là phải ghi tên họ
trong sổ hộ. Quản lý được từng người dân mới đích thực thời thái bình”.