- Chính vì thế nên ông là người cuồng nhiệt nhất. Cuồng nhiệt để dẫn đất
nước đi thật hối hả, đi cho nhanh.
- Hạ thần biết nói sao. Điều bí ẩn của non sông vốn là như vậy phải như
vậy.
- Ông là kẻ mê cuồng quá đỗi - Thuận Tôn chợt thở dài - Ta là kẻ đi theo
đạo nhu mềm, thong thả. Mà này ông Cẩn! Ta biết lòng ông đang xáo động.
Ta cứ tưởng lòng ông sắt đá... Hoá ra... Ông vẫn còn chút yếu mềm... Vậy
nên ta chẳng thù ghét ông đâu... Ông cứ tưởng ta không biết gì khi ta uống
bát canh sâm của ông? Thái sư giao việc đó cho ông. Và tay ông đã run lên
khi ấy... Còn tiếng nói vẫn thường vang lên trong hồn ông... đàm thoại với
ông... chỉ dẫn cho ông, đó là tiếng của ai?... Người ta vẫn bảo đó là tiếng
nói Phật. Nhưng ta nghĩ đó chính là tiếng của ông. Ông tự phân thân ra
thành hai: một là tiếng nói hư ảo, một là tiếng nói trần thế Hai nhưng một.
Ông tự nói với mình đó thôi. Phật nào nói. Phải phân làm hai bởi vì lòng
ông còn dằng xé. Phải đối thoại với chính mình để tự trấn an, để vững lòng
tin, bởi vì con đường ông đang đi thật là khốc liệt.
Nguyễn Cẩn ngồi im nghe ông vua đạo sĩ nói. Có bao giờ Cẩn lặng im lâu
như thế? Còn Thuận Tôn cũng ngừng lại một lúc rồi mới tiếp:
- Ông mới đến chùa núi Đông Sơn một lần... chắc ông chưa biết cặn kẽ về
Tuệ Thông đại sư. Để ta kể nốt đoạn cuối lúc đại sư thị tịch. Ta may mắn có
duyên hạnh ngộ, thủa nhỏ, được gặp bà một lần. Người từ bi, gầy guộc nét
mặt giống hệt như La Hán, nhất là đôi mắt tuệ thông suốt dịu dàng. Sau khi
vào rừng, hổ lang không dám ăn thịt, đại sư về chùa ngồi thiền suốt mấy
tháng ròng, rồi ngồi thản nhiên mà hoá. Trước lúc thị tịch, người có dặn:
“Sau khi ta đi, hãy bớt lại chút xương để chữa bệnh cho người đời”. Đám
đệ tử không nỡ, cho hết xương vào hộp phong lại. Qua một đêm, lúc trở
dậy, thấy có một chiếc xương cùi tay nằm trên bàn, ở ngoài hộp. Về sau, ai
có bệnh đến cầu, mài xương với nước đem cho người bệnh, không ai là
không khỏi...
Nguyễn Cẩn ngạc nhiên khi nghe câu chuyện, ông không hiểu được Thuận
Tôn định nói gì. Nhà vua chỉ bảo:
- Thôi! Ông về đi, đã đến lúc ta phải ngồi tĩnh toạ. Ông cứ yên tâm...