tiễn chân Trừng xuống chân núi. Hôm đó mở hội phóng sinh và phóng đăng
ở suối Giải Oan. Những bè chuối nhỏ đem theo những chiếc đèn hoa bập
bềnh trôi theo dòng nước. Những con cá chép từ chậu được thả ra suối
trước khi bơi đi xa còn cố ngoi lên mặt nước thả những chuỗi bong bóng
như để cám ơn con người. Phạm Sinh và Thị Hạnh mua một lồng chim sáo
của bọn trẻ mục đồng, trùm chiếc khăn vuông xưa của bà nô tì lên. Thị
Hạnh nhón tay nhấc chiếc khăn để Phạm Sinh mở cửa lồng cho con sáo
nhảy ra đậu trên lòng bàn tay chàng. Phạm Sinh nói:
- Bay đi? Hãy trở về với bầu trời!
Con chim bay vút lên cây cao. Đột nhiên trong rừng một bầy chim từ
những lùm cây bay túa lên trời kêu xáo xác.
Người quản tượng mới thay ông già Lặc tiến lại gần con voi trắng. Con
bạch tượng chợt giậm chân thình thịch như tức giận, khiến người đó không
thể nào tiến lại gần. Nó bỗng vươn vòi lên trời, chồm lên, đứng bang hai
chân sau và bắt đầu rống. Tiếng rống vang trời, gọi mọi người xúm lại gần.
Càng thấy đông, con voi càng nổi cơn giận dữ. Tiếng rống của con bạch
tượng chuyển sang giọng man rợ chưa từng thấy. Tiếng nó kêu rung chuyển
núi rừng. Tiếng rống xoáy vào rừng sâu kêu gọi, làm rừng tĩnh lặng bỗng
nhiên choàng tỉnh. Ở phía xa xa, hình như cũng có tiếng gầm gào đáp lại.
Nguyên Trừng thở dài. Đây là lần thứ hai ông thấy con voi giận dữ. Ông
nhớ lại lần trước, ở pháp trường Báo thiên, con voi cũng đã gào rống như
thế này. Song, lần đó, người ta hát bài hát dỗ voi đã dần dần làm nó nguôi
đi. Lần này, ông già Lặc cũng hát:
Ơ con voi rừng!
Ơ con voi hoang!
Nước mắt ròng ròng
Cái vòi ủ rũ
Vểnh tai lên mà nghe ta hát
Vươn vòi lên mà đón nhành hoa...
Nhưng con bạch tượng chẳng chịu nghe lời dỗ của ông Lặc nữa. Nó chẳng
cần nhành hoa. Lần này nó điên thực rồi. Nó chỉ còn biết rống lên bằng
tiếng kêu thảm thiết, nghe mà rùng mình, giống như tiếng kêu chọc tiết của