Nguyễn Xuân Khánh
Hồ Quý Ly
Phần XIII- Chương - 1
Hội thề Đông Sơn
Từ sông Bạch Đằng, Nguyên Trừng lên thuyền, căng buồm men theo bờ
biển vào Thanh Hoá, rồi ngược dòng sông Mã đến Tây Đô. Đến bến đò,
ông lên yên nhằm thẳng núi Đún cho ngựa chạy. Suốt dọc hành trình, lòng
ông đeo đẳng một nỗi buồn man mác. Tất cả đã ở sau lưng rồi. Tuy rằng chỉ
tạm chia tay Thanh Mai, nhưng ông linh cảm thấy lần chia tay này sẽ là mãi
mãi. Hình như Trừng chẳng muốn về Tây Đô, nhưng số phận buộc ông
phải tới đó. Mới chỉ vài ngày, ông đã chuyển qua những cõi trời hoàn toàn
khác biệt. Ở Yên Tử, đó là núi, suối, là hoa cỏ cây cối, là đi giữa mây trắng,
vượt từ cõi ồn ào sang miền tịnh thổ; ở đó đất trời gặp nhau cho ta cảm giác
dịu dàng, hiền hoà; ở đó chỉ có sự tốt lành, hết tranh giành, cắn xé. Chẳng
ai nói, nhưng Trừng có cảm giác chua xót rằng tất cả hình như đang quay
lưng lại với mình. Ông ngoại, Thanh Mai, ông già Lặc, cả con voi trắng
nữa, tất cả đều muốn đi hướng khác. Họ muốn về với bình an...
Đứng ở cửa ngõ Tây Đô, dưới chân núi Đún, Nguyên Trừng đã hoàn toàn
bước qua một thế giới khác. Đứng ở đỉnh Yên Tử, hòn núi cao nhất vùng,
tâm hồn ta như được cởi mở nâng cao lên, khoáng đạt hơn, rộng lượng hơn;
tầm mắt nhìn được xa hơn. Còn đứng ở chân núi Đún, trên con đường cát
đá dài thẳng tắp, nhìn vào toà thành đá khổng lồ Tây Đô, Nguyên Trừng
như thấy mình đang chui vào một cái hòm, một khuôn mẫu, ở đó tất cả là
sự ngang bằng sổ thẳng, sự chỉn chu đúng phép của những Đông, Tây,
Nam, Bắc, của lễ nghĩa, của quân thần phụ tử.
Hồ Quý Ly là một nhà nho uyên thâm. Kinh thành Thăng Long trải qua hai
triều đại Lý Trần tôn sùng đạo Phật đã bị ảnh hưởng thứ tư tưởng khoan
dung của đạo Thích trong kiến trúc. Nhiều chùa quá, nào Diên Hựu, Chân
Giáo, nào Thần Quốc, Báo Thiên... ngóc ngách nào cũng thấy chùa chiền.
Được mấy cái hồ đẹp như những tấm gương, thì chung quanh Hồ Tây cũng
nhan nhản những chùa, còn bên Hồ Lục Thuỷ, lại sừng sững soi bóng ngọn
tháp cao vút Đại Thắng Tư Thiên của chùa Báo Thiên. Quý Ly sai Nguyên