Nguyễn Xuân Khánh
Hồ Quý Ly
Phần III - Chương 1
Ông Vua già
Nghệ Tôn hoàng đế tên huý là Trần Phủ, con thứ ba của vua Trần Minh
Tôn; mẹ đẻ là Lê Thị, cô của Lê Quý Ly. Ông lên ngôi lúc nhà Trần suy
thoái; đứng trên danh nghĩa, Trần Thuận Tôn, con trai ông là ông vua áp
chót triều Trần; nhưng đứng trên thực tế, chính Trần Nghệ Tôn mới là ông
vua cuối cùng, bởi vì ông làm vua chỉ có 3 năm nhưng lại làm Thái thượng
hoàng 27 năm. Trong 27 năm ấy, dưới tay Thái thượng hoàng có ba ông
vua: Trần Duệ Tôn em trai ông, Trần Phế Đế cháu ông, con trai Duệ Tôn và
cuối cùng là Trần Thuận Tôn con trai của chính ông. Như vậy, thực quyền
suốt 80 năm ròng cuối triều Trần cho đến khi họ Hồ lên ngôi đều nằm trong
tay ông.
Nghệ Tôn lên ngôi vua trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt.
Thời kỳ đó vào những năm Đinh Mùi, Mậu Thân, Kỷ Dậu, Canh Tuất (tức
là 1367 - 1370 theo dương lịch), em trai ông là Trần Dụ Tôn làm vua,
nhưng ăn chơi xa xỉ hoang dâm vô độ đến nỗi Chu Văn An phải dâng thất
trảm sớ rồi theo ấn từ quan. Nhật Lễ cháu ông lên ngôi. Nhật Lễ là con
Cung Túc Vương Trần Dục. Trên danh nghĩa, họ Trần, nhưng thực chất
Nhật Lễ họ Dương. Mẹ Nhật Lễ là Dương Thị, một cô đào chèo vừa xinh
đẹp vừa hát hay, Dương Thị có biệt hiệu Tây Vương Mẫu bởi vì nàng sắm
vai Vương Mẫu trong vở chèo hấp dẫn, nàng có chồng họ Dương cũng là
một kép hát tài hoa. Cung Túc Vương đi xem hát, bị nàng Tây Vương Mẫu
hút hồn, bèn lấy nàng làm vợ, lúc đó cô đào chèo đã có mang cùng chàng
kép hát họ Dương. Khi Nhật Lễ ra đời, trong hoàng tộc đã có lời xì xào,
nhưng Cung Túc Vương, vì quá yêu nàng Tây Vương Mẫu, vả lại ngày
tháng mang thai mập mờ, nên công nhận Nhật Lễ là con.