Nhờ có chính sách rộng rãi tích cực như vậy, nên người trong nước nô nức
đầu quân, chỉ trong vòng một năm, Đại Việt đã có trong tay gần hai chục
vạn quân bừng bừng khí thế.
Nghe tin Đại Việt tích trữ lương thảo sửa soạn binh mã chiến thuyền sắp
sửa đem đại quân vào đánh thành Đồ Bàn, vua Chiêm bàn với La Ngai là
tướng thân tín:
- Trận đại huyết chiến Chiêm - Việt sắp xảy ra. Trận này cực kỳ hệ trọng.
Vận mệnh của hai nước nằm trong trận này, kẻ nào thua sẽ hoàn toàn mất
thế thượng phong, sau này sẽ khó mà ngóc đầu lên được.
La Ngai nói:
- Theo tin mật báo, trận này Đại Việt sẽ tung hết lực lượng, đem hơn chục
vạn quân vào, dùng số đông đè bẹp quân số nhỏ bé của ta.
- Họ có số đông nhưng cũng có nhiều nhược điểm. Thứ nhất, không thông
thuộc địa thế nước ta. Thứ hai, quân của họ mới thành lập, quân sĩ phần lớn
chưa tham gia chiến trận. Thứ ba, vua nước họ là người kiêu ngạo,...
- Đỗ Tử Bình quan hành khiển Đại Việt trấn thủ Châu Hoá là kẻ tham bỉ -
La Ngai nói - Ta có thể dùng vàng bạc lung lạc hắn.
- Trẫm thấy ý của nhà ngươi rất hay. Hãy đem mười mâm vàng đến gặp
Bình, để hắn tâu với vua nước Việt rằng người Chiêm nghe tin chinh phạt
của Đại Việt rất lo sợ, rằng người Chiêm không có lòng dạ chống lại quân
Việt. Làm như thế để tăng lòng kiêu ngạo sơ hở của đối phương. Ngoài ra,
phải cấp tốc chuẩn bị đề phòng. Một trăm năm trước đây, quân Mông Cổ
do Toa Đô chỉ huy thiện chiến hung ác đến thế, vua Chế Mân còn chả chịu
khuất phục, huống hồ đám binh lính Đại Việt hữu danh vô thực này, ta há
chịu thua ư? Ta sẽ chuẩn bị làm kế thanh dã, khi giặc đến, dân chúng sẽ
trốn hết lên rừng...
Đỗ Tử Bình nhận mười mâm vàng của Chiêm Thành, liền ỉm đi làm của
riêng, sau đó làm mật tấu về triều, nói rằng quân Chiêm vẫn thường xuyên
quấy rối Hoá Châu, và nói năng rất nhiều điều vô lễ với Đại Việt, Tử Bình
xin vua Duệ Tôn đem quân đi chinh phạt, để vứt bỏ hẳn mối hoạ phương
Nam. Tử Bình còn nói thực lực quân Chiêm không có gì, chẳng qua vua tôi
Chiêm chỉ là lũ giặc cỏ.