2. MỘT ĐẲNG CẤP LÃNH ĐẠO BẤT XỨNG
Nguyên nhân thất bại chánh của Hồ Quí Ly là lòng người, là nhân tâm.
Mà nhân tâm thời bấy giờ lại đầy thành kiến, chịu ảnh hưởng gần như trực
tiếp của đẳng cấp nho sĩ, cũng là giai cấp thống trị, kiêm giai cấp lãnh đạo
suốt các thời kỳ quân chủ chuyên chế và Bắc thuộc.
Nhưng thực chất của đẳng cấp quan trọng ấy như thế nào ?
Chúng ta biết rằng nền tảng của đẳng cấp nho sĩ Việt Nam là Khổng
Học. Ta thử xem qua những nhận định về Khổng Học dưới đây trong quyển
« Xã Hội Việt Nam » của Lương Đức Thiệp : « Khổng Học nguyên là một
phương pháp chính trị và luân lý. Sau vì mục đích chính trị, Khổng Tử được
vua chúa Trung Quốc và Việt Nam suy tôn lên bực thánh mà xây dựng đình
miếu để tôn thờ rồi rập khuôn cả sĩ phu trong nước suy nghĩ và cư xử theo tư
tưởng và nguyên tắc luân lý của Khổng Tử, người đã xướng ra cái thuyết tôn
quân ».
Nói về quan niệm « chính danh » của Khổng Tử, ông Lương Đức Thiệp
viết :
« Muốn trị thiên hạ thì trước hết phải chính danh đã, có chính danh thì
mọi người mới chịu ở địa vị thật của mình trong xã hội mà không xáo trộn
trật tự của xã hội. Thế nên Khổng Tử cho rằng vua phải ở địa vị vua, thần
phải ở địa vị thần (tôi), dân phải ở địa vị dân thì làm gì có sự loạn lạc, cho
tôi giết vua, dân giết quan, chư hầu lấn quyền thiên tử, cũng như trong gia
đình, cha ở địa vị cha, con giữ địa vị con thì làm gì có sự rối loạn thứ bực
nữa. Cho nên đối với Khổng Tử, thuyết chính danh là một phương pháp
chính trị hệ trọng. Vì vậy, Khổng Tử khởi xướng ra chủ nghĩa tôn vương mà
bắt các vua chư hầu phải phục tòng Thiên Tử nhà Chu, mong thiên hạ lại
được bình trị như xưa để mưu cuộc thống nhất cho quốc gia.
« …Sau thời Xuân Thu, sức phát triển của đẳng cấp nho sĩ đã đến bực
cuối cùng ; đẳng cấp này trở thành phản động nên đã chống lại công cuộc
cải cách quốc gia của Tần Thủy Hoàng. Bởi vậy vua Tần phải dùng phương