Tất cả những lời thơ điêu luyện, ý tứ súc tích, hào khí ngất trời ấy,
chứng tỏ Hán học đã ăn sâu vào tâm não của từng lớp lãnh đạo Việt Nam.
Bộ BINH THƯ YẾU LƯỢC, HỊCH TƯỚNG SĨ của Hưng Đạo Vương xác
nhận thêm điều đó.
Đời Trần còn có những tay Khổng học uyên thâm như Mạc Đĩnh Chi,
Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh, Chu Văn An, Hồ
Tôn Thốc, Trần Nguyên Đán… Ngoài ra còn những bực Khoa Bảng xuất
thân đã chiếm những địa vị cao quí trong chính quyền và các nho sinh khắp
nước do chế độ giáo dục tự do đào tạo chờ ngày lều chổng đi thi mong ơn
mưa móc của triều đình, con đường xuất chính duy nhất dưới thời quân
chủ… Giới nho sĩ đã khá đầy đủ để hợp thành một đẳng cấp hưởng rất nhiều
ưu đãi của chế độ, ăn trên ngồi trước, cho nên họ triệt để trung thành và trở
nên công cụ của chính quyền.
Trong quyển « Xã hội Việt Nam » ông Lương Đức Thiệp viết : « Mất
hết độc lập về tư tưởng, tiêu mòn sinh lực trong mấy quyển Tứ thư, Ngũ
kinh, trong thể lệ bạo tàn của trường quy, đẳng cấp sĩ phu Việt Nam cũng bị
rút rỗng hết sinh khí. Bởi vậy, trải qua bao thế kỷ nghiền ngẫm tư tưởng của
cổ nhân mà đẳng cấp sĩ phu Việt Nam không ghi được một dấu tiến bộ nào
hay một trào lưu tư tưởng mạnh mẽ nào khác Trung Quốc cả. Chính sách
ngu dân của chế độ phong kiến đã có kết quả ; đẳng cấp sĩ phu Việt Nam
bảo thủ đã trở thành một trở lực lớn cho cuộc tiến hóa chung của dân tộc ».
Với cái uy danh của ông Trạng, ông Bảng nhãn, ông Thám Hoa, ông
Cử, ông Tú, với cái uy tín của các thầy Đồ, thượng tri thiên văn một cách
thô sơ, hạ thông địa lý một cách mập mờ, với cái học nhồi sọ trong mớ sách
cũ rích không hề thay đổi, chuyên ngâm hoa vịnh nguyệt bằng lối trích cú,
tầm chương, họ được nhân dân xem là những bực thức giả và dành cho sự
kính trọng thành khẩn.
Trong khi đó thì họ cấu kết với đẳng cấp quí tộc, dựng lên một bức
tường thành kiên cố để vừa bảo vệ một triều đại vững vàng, vừa bảo vệ
những ưu quyền mà họ được hưởng trong xã hội phong kiến, làm chướng
ngại vật trước mọi cải cách cần thiết cho quốc gia.