6. TÌNH CẢNH KHỐN ĐỐN CỦA NHÂN DÂN
Dưới thời phong kiến, thường dân – Nông, Công, Thương – là đẳng cấp
sản xuất trong nước, phải nuôi dưỡng đẳng cấp quí tộc, những ông hoàng, bà
chúa, các bực công hầu, ăn sung mặc sướng, tôi tớ đầy dinh thự, và cả đẳng
cấp nho sĩ ăn trên ngồi trước, chuyên ngâm thơ vịnh nguyệt, đờn ca, xướng
hát, cờ bạc vui chơi… Họ bị khinh khi, bạc đãi, sách nhiễu không ngớt. Gặp
vua sáng, tôi hiền thì còn khá, vào những thời hôn quân vô đạo, quan lại
tham nhũng thì nỗi cơ cực không biết đến đâu.
Đã vậy mà còn phải đóng góp để cung phụng cho nước Trung hoa rộng
lớn dưới hình thức cống sứ, nào người vàng, người bạc, nào những vật trân
quí như châu báu, ngà voi, kỳ nam cùng lương thảo hàng năm cả muôn
thạch.
Đó là thời bình.
Vào thời loạn, đẳng cấp sản xuất còn phải nuôi thêm mấy trăm ngàn
quân lính và chịu chi phí chiến tranh, lại bị quân giặc cướp bóc, hãm hiếp vợ
con, lùa trâu bắt người mang đi, đốt nhà cửa, chà đạp hoa mầu.
Những thảm cảnh ấy, nhân dân dưới các triều vua cuối đời Trần đã phải
gánh đủ.
Theo chính sử, từ năm Đại trị nguyên niên (I358) trở đi, sau khi
Thượng hoàng Minh Tông qua đời, vua Dụ Tông chơi bời trác táng, phung
phí công quĩ vào việc đào hồ đắp núi, tổ chức cờ bạc trong cung, đánh một
tiếng bạc hàng 300 đồng vàng, tiệc tùng, hát xướng mỗi đêm. Lẽ tất nhiên là
nhân dân phải thắt lưng buộc bụng đóng góp thêm cho vua chúa, công hầu,
khanh tướng vui chơi cho thỏa thích. Vua quan như vậy nên bọn quan hầu
của nhóm quí tộc chiếm cả bãi sông Tô lịch là đất trồng rau của dân để làm
của riêng. Quan lại khắp nơi thi nhau tranh giành nguồn lợi kinh tế của đại
chúng, gây cảnh đói khổ cho giới cần lao.