Vua quan loạn như thế, nên bọn bất lương nổi lên cướp phá nhân dân,
làm cho những người không tự vệ phải khốn đốn khổ sở.
Chánh quyền suy nhược nên tiểu quốc như Chiêm Thành cũng khinh
miệt, đem quân xâm lấn bờ cõi, đánh tận Thăng Long cướp bóc ngọc ngà
châu báu, gấm vóc, lụa là, đốt sạch cung điện, hãm hiếp, cướp luôn của cải
dân chúng, rồi lùa gia súc, bắt người đưa về Đồ Bàn. Mỗi lần như thế thì vua
quan đều trốn chui, trốn nhũi, mất hết thể thống, mặc cho dân lãnh hết tai
họa.
Trong những tai họa ấy, người dân không khỏi tủi nhục mà nhớ đến
công nghiệp hiển hách của các vị anh hùng khởi nghiệp nhà Trần như Hưng
Đạo đại vương, Trần quang Khải, Trần quốc Toản, Phạm Ngũ Lão v.v… đã
từng hiên ngang đánh đuổi đoàn quân vô địch Mông Cổ…
Nhà vua sợ giặc Chiêm đến nỗi phải mang vàng bạc ngọc ngà, châu
báu, chôn giấu ở trên núi Thiên Kiện, tức là núi Kiện Khê, huyện Thanh
Liêm. Chánh quyền hèn yếu phải nhờ đến đám tăng nhân là bọn Đại nạn
thiền sư đi đánh giặc Chiêm.
Giặc giã lại nổi lên khắp nơi. Tại Thanh Hóa, bọn Nguyễn Thành nắm
giữ miền Lương giang. Nguyễn Kị chiếm cứ Nông Cống, quan trọng nhất là
bọn Phạm Sư Ôn, một tăng nhân lãnh đạo một số nhà sư, dưới tay có vài vạn
người vô lại, nổi lên ở Sơn Tây, đem quân chiếm cả Kinh đô suốt ba ngày
rồi rút về Nộn Châu (Quốc Oai). Nghệ Tông thượng hoàng và vua Thuận
Tông phải lánh sang Bắc Giang. Sau tướng Hoàng Phụng Thế phải khai lòng
sông tiến thuyền đánh úp được giặc, bắt giết Sư Ôn và các tướng của hắn
mới trừ xong bọn chúng. Từ đó, nhà chùa mất cả uy tín đối với nhân dân và
chính quyền.
Để cung ứng cho sự phung phí của triều đình, cho chiến phí chống
quân Chiêm và phí tổn cống lễ cho nhà Minh, chánh quyền phải tăng thu
bằng cách đánh thuế nặng nề.
Trước kia, chỉ những ai có điền thổ mới đóng tiền. Khi nào có chiến
tranh, thì những người có ruộng, đồng dâu hay đầm cá phải chịu lúa, tiền và