PHẦN THỨ HAI : THÀNH KIẾN NHÂN DÂN
VÀ Ý CHÍ CÁCH MẠNG CỦA HỌ HỒ
I. CẢM NGHĨ CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐỒNG THỜI VỚI HỌ HỒ VÀ
SỬ QUAN CỦA HẬU THẾ
Thành kiến của người đời đối với Hồ Quý Ly thật là nặng nề.
Đồng thời với ông, thì phe quí tộc xem ông là kẻ thù nghịch, chực giết
ông bất cứ giờ phút nào vì ông được Nghệ Tông, lúc làm vua cũng như suốt
đời làm Thái Thượng Hoàng, triệt để tin dùng. Dầu ông vào sanh ra tử, đục
pháo xông tên, đem hết tinh thần trí lực làm việc ngày đêm, đưa ra những
chương trình, kế hoạch vĩ đại cải cách quốc gia, nhưng từ vua đến hoàng
thân quốc thích đều cho rằng ông là gian thần, tìm đủ cách để diệt trừ.
Sử không nói rõ ý định đoạt ngôi nhà Trần được thai nghén từ lúc nào
trong đầu óc Quí Ly, nhưng sử chép rõ ràng Đế Hiến vừa ngồi vững trên
ngai vàng, thì tháng tám năm Mậu Thìn đã bàn với các cận thần giết Quí Ly.
Nếu không được thượng hoàng Nghệ Tông cứu thì Quí Ly đã không toàn
mạng.
Và suốt cuộc đời chánh trị, luôn luôn Quí Ly bị những kẻ thế lực đồng
thời ganh ghét và mưu toan hãm hại, tâm chí và tài ba lỗi lạc của ông không
được ai hiểu cả, có chăng chỉ một mình Nghệ Tông ?
Học sinh các lớp Trung Học từ mấy mươi năm nay đều có học truyện
TRINH THỬ. Người ta cho rằng tác giả truyện này là một người đồng thời
với Hồ Quí Ly. Ông Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm viết rằng
: Theo như chỗ
để ở ngoài bìa các bản in cũ thì tác giả truyện này là : « TRẦN TRIỀU XỬ
SĨ HỒ HUYỀN QUI » nội dung truyện có ý ám chỉ vào việc Hồ Quí Ly là
tay gian tà, chỉ chực kéo người trung trinh vào bè đảng để gây lấy vây cánh
làm lợi cho mình.
Nếu tác giả là người đồng thời, thì ta thử xem một nhà trí thức triều
Trần nghĩ thế nào về ông « Thủ tướng » Hồ Quí Ly.