tài chánh xuất sắc nhứt ở cuối thế kỷ I4, đầu thế kỷ I5. Bài nói chuyện đó đã
được đăng trong tuần báo THANH NIÊN ở Saigon do ông Huỳnh Tấn Phát,
kiến trúc sư, làm chủ nhiệm vào năm I944.
Trong phong trào văn chương « ôn cố như tri tân » tại Việt Nam trong
những năm thế chiến, nhà văn Chu Thiên, tác giả những quyển tiểu thuyết
về lề lối thi cử và giới nho sĩ ngày xưa : BÚT NGHIÊN, NHÀ NHO, có viết
một quyển biên khảo rất đầy đủ về Hồ Quí Ly, và đã nhìn họ Hồ dưới con
mắt của một nhà sử học khách quan chớ không thiển cận, hẹp lượng như đa
số những người viết sử trước. Rất tiếc, quyển này hiện nay không còn trên
thị trường nữa.
Gần đây, trong quyển VIỆT SỬ TÂN BIÊN, một bộ sử rất có giá trị
đương thời, ông Phạm Văn Sơn đã chép rất kỹ lưỡng về Hồ Quí Ly và đã
phát biểu những quan niệm mới và công bình về người lịch sử này, khác hẳn
những luận điệu sai lầm, nông nổi, đầy thành kiến bất công mà các nhà chép
sử trước kia đã gieo rắc một cách tai hại vào đầu óc hậu thế khi đề cập tới
Hồ Quý Ly.
Sử quan của hậu thế đang đi trên chiều hướng hợp lý.