“Bố cháu thường kể cho cháu nghe về một bộ phim nọ, có cậu con trai của
một viên cảnh sát chính trực ở miền nam nước Mỹ thời những năm 50, 60
của thế kỷ 20, khi mà chủ nghĩa phân biệt chủng tộc còn đang hoành hành.
Nhân vật chính đã mấy lần đọc một bài thơ, cháu nhớ là nó như thế này:
Tôi - chủ nhân vận mệnh chính mình, là người thuyền trưởng linh hồn
chính tôi. Bộ phim ấy tên là “Kẻ không thể chinh phục”, bài thơ ấy là của
nhà thơ William Ernest Henry thời Victoria.
“Con trai, ý cháu là gì?”
Thần trí Tư Vọng có phần quái dị: “Kiểm sát Thân, bác thân thiết hơn trong
tưởng tượng của cháu rất nhiều, bác là một người tốt.”
“Bác về hưu lâu rồi mà, công tác trong ngành kiểm sát bốn chục năm, là
người Đảng viên, khi tự vấn lương tâm, bác không thấy có gì hổ thẹn. Con
trai, tạm biệt!”
“Để cháu tiễn bác!”
Ông liếc nhìn bia mộ lần cuối cùng, bỗng giật mình khựng lại, thì ra bên
dưới tên của Hoàng Hải khắc một dòng chữ màu đen tưởng niệm người đã
khuất: “Con trai Hoàng Chi Lượng”.
Nếu như Hoàng Hải còn có người con nào khác thì đúng là sẽ phải viết tên
lên bia mộ, chỉ có điều nếu người đó còn sống, bắt buộc phải viết bằng mực
đỏ - ấy vậy mà trên bia mộ chỉ có cái tên “Hoàng Chi Lượng” màu đen.
Tư Vọng luống cuống lùi lại phía sau hai bước, sau lưng cậu chính là ngôi
mộ của Lượng.
Dù tuổi tác đã cao nhưng Thân Viện Triều vẫn nhìn rõ dòng chữ “Phần mộ
Hoàng Chi Lượng” phía sau lưng Tư Vọng. Ông tiến lại gần xem thì thấy
trên bia mộ Hoàng Chi Lượng có hàng chữ “Bố Hoàng Hải khóc lập”, năm
sinh năm mất là 1994 -2004.