chú ý đặc biệt vào bài báo của Nina Andreeva, với tiêu đề “Tôi không thể từ
bỏ những nguyên tắc của mình” trên tờ Sovetskaya Rossiya (Nước Nga Xô
viết). Đây là tờ báo có tiếng về mối quan hệ chặt chẽ với phe bảo thủ. Bài
báo này chính là cuộc tấn công trực diện và toàn diện vào perestroika và
khiến những người có xu hướng cải cách cũng thấy ngán ngẩm. Bức thư
của một giáo viên dạy hóa viết kín trang giấy với ngôn ngữ ca ngợi thời kỳ
Stalin. Bà bảo vệ Stalin và dùng lời châm chọc chua cay theo lối bài Do
Thái, trích dẫn nguyên văn từ các bài phát biểu của Andrei Zhdanov trong
chiến dịch chống những người theo chủ nghĩa thế giới năm 1948.
Ligachev phủ nhận vai trò giật dây dư luận nhưng lại thừa nhận ông
cũng có những tình cảm như một số người trong bài báo. Việc này bao hàm
các cuộc tấn công vào giai đoạn lịch sử coi thời kỳ Stalin là một thời kỳ đen
tối và ảm đạm. Theo Gorbachev, bức thư không thể được viết ra bởi một
đảng viên bình thường vì nó chứa đựng thông tin mà chỉ một số người mới
có quyền biết. Thành ủy Leningrad đặc biệt có thái độ sốt sắng khi được
giao điều tra bài báo này. Không thấy nêu ra chứng cứ bác bỏ cho đến khi
Gorbachev trở về ngày 18/3. Ông phát hiện ngay ra là một số ủy viên Bộ
Chính trị, bao gồm Ligachev, Vorotnikov, Gromyko và Solomentsev, đều
đứng về phía Andreeva.
Ông triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị vào ngày 24/3 và nhận thấy Viktor
Chebrikov, thủ trưởng cơ quan KGB, và Anatoly Lukyanov cũng đứng về
phe những người bảo thủ. Sự thật là Lukyanov, người bạn học tại trường
Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva, đã đứng về phe đối lập khiến
Gorbachev choáng váng. Đối với Gorbachev, bài báo thể hiện rõ nét tư
tưởng chống perestroika. Điều làm ông tức giận là việc các quan chức trong
Đảng và chính quyền lại có thái độ ủng hộ bức thư này. Yakovlev, Ryzhkov
(một phần vì ông bực mình trước những cố gắng của Ligachev trong Ban Bí
thư Đảng can thiệp vào công việc của chính quyền), Shevardnadze và
Medvedev tấn công vào các quan điểm mà lá thư đã nêu.