Đảng vẫn được duy trì và quyền lực Tổng Bí thư bao giờ cũng là tối cao.
Các ủy viên buộc phải chấp nhận các quyết định do lãnh đạo Đảng đưa ra,
còn việc triển khai và áp dụng các quyết định đó vào thực tế ra sao lại là
chuyện khác.
Các luận cương hay các kiến nghị dự thảo được trình bày trong phiên
họp toàn thể Ban Chấp hành Trung ương ngày 23/5 và được thông qua
tương đối thuận buồm xuôi gió. Các văn kiện đó được đăng trên tờ Pravda
ngày 27/5 đã gây xáo động mạnh mẽ. Chúng đánh dấu bước chuyển từ chế
độ xã hội chủ nghĩa theo kiểu Xô viết sang một mô hình giống kiểu xã hội
dân chủ của Tây Âu. Điểm then chốt trong các văn kiện này là đề ra bầu cử
tự do, đa ứng cử viên vào các vị trí của Xô viết, bỏ phiếu kín, đảm bảo
quyền tự do báo chí, ngôn luận, tự do hội họp và cam kết được luật pháp
bảo vệ. Thẩm phán phải được độc lập. Công bằng xã hội là nguyên tắc quan
trọng hàng đầu. Gorbachev cố gắng đưa cải cách đi xa hơn nữa. Ông chủ
trương đa nguyên chính trị và sửa đổi Hiếp pháp Xô viết nhằm hợp pháp
hóa hệ thống chính trị. Bộ Chính trị phản đối đề nghị này, riêng chỉ có
Yakovlev, Shevardnadze và Vorotnikov ủng hộ chủ trương này. Mãi đến
năm 1990, Đảng mới chấp nhận chấm dứt sự độc quyền về chính trị của
mình.
HỘI NGHỊ ĐẢNG LẦN THỨ 19
Trong diễn văn khai mạc ngày 28/6, Gorbachev khiến các đại biểu
ngạc nhiên bằng việc đề nghị chỉ nên có một người vừa nắm vị trí lãnh đạo
Đảng vừa nắm quyền lãnh đạo chính quyền trên toàn đất nước, từ các Xô
viết địa phương đến trung ương. Người cải cách bị kéo ngược trở lại. Một
mặt, Gorbachev thiên về hạn chế sự can thiệp của Đảng vào các công việc
nhà nước, nhưng mặt khác, có thể trao quyền cho họ thông qua các Xô viết.
Việc này có thể được coi như sự củng cố lại tổ chức, mà phần lớn là những
thành viên phản đối perestroika.