Nhưng cũng có thể hiểu sự việc theo một khía cạnh khác. Kể từ khi có
các cuộc bầu cử tự do các Xô viết địa phương hay các đảng viên phải chiến
thắng trước khi họ có thể củng cố quyền lực của mình. Gorbachev đặt lòng
tin vào nhân dân. Họ sẽ là người lựa chọn những ứng cử viên xứng đáng để
thực hiện perestroika. Đây chính là một chiến thuật nổi bật mà vị tổng bí
thư này sử dụng. Đây là cách duy nhất buộc các đảng viên phải trao quyền
cho Xô viết. Theo cách này, ông có thể tiến hành một cuộc cách mạng thầm
lặng như nó không hề diễn ra vì hầu như các đảng viên đều thất bại trong
các cuộc bỏ phiếu. Bài phát biểu khai mạc là sự kết hợp thận trọng giữa
những người theo đường lối chính thống với những người có đầu óc cấp
tiến. Ông ca ngợi vai trò lãnh đạo, dẫn dắt của Đảng và chủ nghĩa Marx-
Lenin giống như nền tảng khoa học vững chắc cho các công việc của Đảng.
Tuy nhiên, ông nói thêm, cuộc cạnh tranh tự do của những người trí thức
cũng là một trong những nguyên lý cơ bản của perestroika.
Giới lãnh đạo ngồi nhìn các đại biểu và một vài người phát ngôn dùng
thuật ngữ “những con khủng long” trong Đảng để chỉ những người trở
thành mục tiêu công kích. Người bị đối xử cứng rắn là Andrei Gromyko, và
những nhân vật khác như Solomentsev, Afanasev − chủ biên tờ Pravda, và
Arbatov. “Hiện nay, đồng chí Gromyko không theo kịp sự phát triển của
tình hình… đồng chí đã hoàn thành trách nhiệm của mình”. Cách cư xử
không đoán trước được này khiến Gorbachev cảm thấy đã nảy sinh mầm
mống của nguy cơ. Nếu các vị lãnh đạo Đảng không còn được bảo vệ thì
sớm hay muộn ông cũng bị họ lôi vào cuộc chiến. Ông cảm giác đang có
một liên minh giữa những người bảo thủ trong Đảng chống đối ông ngay tại
Hội nghị. Một sự rạn nứt đang ngầm hình thành trong Đảng và thái độ chỉ
trích, chống đối perestroika ngày càng tăng rõ rệt. Sau này, thái độ đó phát
triển thành trào lưu phá hoại ngầm trực tiếp của một số lớn các bí thư Đảng
và những người đương chức trong bộ máy Ban Chấp hành Trung ương
Đảng.