Lyon vẫn duy trì sản lượng do có sự bảo trợ của triều đình và xuất khẩu
lượng lớn sang Nga cho tới khi Sa hoàng Alexander I quyết định bãi bỏ
chính sách phong tỏa kinh tế vào cuối năm 1810 và áp dụng các biện pháp
trừng phạt đối với hàng hóa Pháp. Các ngành công nghiệp như may mặc,
luyện kim của Bỉ cũng dần dần được hưởng lợi từ việc tiếp cận thị trường
đế chế rộng lớn. Các khu hành chính vùng Rhehn cũng được lợi với mức độ
ít hơn. Trong nghiên cứu của tôi về Alsace, một tỉnh biên giới phía đông,
nơi tập trung các tuyến đường buôn bán nội địa tới Thụy Sĩ, Đức và các
vùng xa hơn đã khẳng định lợi ích từ chính sách phong tỏa kinh tế châu lục
là rất lớn. Sau năm 1806, việc buôn bán chính thống tại Rhine ở Strasbourg
(Bas-Rhin) đã tăng gấp đôi và trong thời kỳ đỉnh cao đã tăng gấp bốn lần.
Một số người cho rằng tại thời điểm này, thành phố đã chiếm tới 1/3 ngoại
thương của cả Đế chế. Tương tự như vậy, công nghiệp sản xuất vải cotton
của Mulhouse (Haut-Rhin), đặc biệt là in vải hoa, trở thành một trong
những ngành thịnh vương nhất tại Pháp lúc bấy giờ. Cơ khí hóa đã đạt được
một số tiến bộ đáng chú ý, đặc biệt là trong khâu đánh sợi và trong ngành
sản xuất vải cotton của Seine- Inférieure, Eure và khu hành chính Nord.
Theo phản ứng dây chuyền, những tiến bộ này cũng tác động tích cực tới
ngành hóa chất, chủ yếu là sản xuất các loại thuốc nhuộm nhân tạo và chất
tẩy rửa.
Tất cả các lợi ích trên có thể được nhìn nhận như một bước tiến tích cực
trong khu vực kinh tế tư nhân của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân
cũng như khu vực kinh tế công cộng đều đóng góp lợi nhuận cho các ngành
công nghiệp và dịch vụ phục vụ quân đội, nhất là công nghiệp vũ khí, may
mặc (đồng phục len), giao thông vận tải, quân nhu chiến trường, thực phẩm
dự trữ. Trong một số khu vực, gồm cả các địa điểm đóng quân, các thị
trường quân sự này đã tạo ra cú huých cho nền kinh tế mặc dù vẫn còn vài
tác động tiêu cực do các hoạt động đầu cơ quá mức và thói quen thanh toán
chậm của các đơn vị quân đội. Ngược lại, ngành may mặc quần áo thủy thủ
lại đi xuống bởi tình trạng suy giảm sức mạnh hải quân của đế chế.