viễn. Không phải là cô Emily sẽ mang tiếng chịu nhận cứu trợ. Đại tá
Sartoris đã bịa ra một câu chuyện loanh quanh là trước đây thân phụ cô
Emily đã cho tỉnh vay tiền, và như vậy theo lẽ sòng phẳng thường tình, tỉnh
mới tìm cách trả nợ như thế. Chỉ có người thuộc cùng thế hệ và với tầm
kiến thức như đại tá Sartoris mới có thể bịa ra câu chuyện tương tự, mà
cũng chỉ có phụ nữ mới tin được chuyện đó.
Khi thế hệ sau với tư tưởng mới mẻ hơn lên làm thị trưởng, làm hội viên
hàng tỉnh thì việc thu xếp như vậy đã gây ra ít nhiều điều bất bình. Vào
ngày đầu năm, họ gửi giấy báo thuế cho cô. Sang tháng hai rồi mà cũng
chẳng nhận được hồi âm. Họ bèn gửi tới cô một công văn chính thức yêu
cầu cô lúc nào thuận tiện hãy tới văn phòng ông quận trưởng viết giấy đề
nghị là sẽ đến nhà cô hoặc là đánh xe tới đón cô. Ông nhận được thư trả lời
viết trên một khổ giấy cổ lỗ, tuồng chữ trôi chảy, nhỏ xíu, nét mực mờ mờ.
Thư đáp rằng cô sẽ chẳng bao giờ ra khỏi nhà, giấy bào thuế gửi hoàn
không một lời giải thích.
Họ triệu tập một phiên hội đồng hàng tỉnh bất thường. Một toán đại diện
được cử đến nhà cô, họ gõ cửa, cánh cửa đã tám năm hay mười năm nay
không một người khách nào lọt qua, kể từ ngày cô thôi không dạy vẽ hình
trên đồ sứ nữa. Người lão bộ da đen ra mở cửa, họ vào một hành lang tôi
tối, nơi đây có một cầu thang hun hút đưa lên một chỗ còn tối tăm hơn nữa.
Thoang thoảng có mùi bụi và mùi mốc, một thứ mùi bưng bít ẩm ướt.
Người lão bộ da đen dẫn họ vào phòng khách: đồ đạc chắc nịch, ghế có bọc
da. Khi người da đen kéo cái màn ở một cửa sổ ra họ nhìn thấy mặt da ghế
đã rạn nứt. Đến lúc họ ngồi xuống thì một đám bụi mỏng uể oải bốc lên
quanh đùi họ. Trên một cái giá vẽ mạ véc ni đã xạm màu đặt trước lò sưởi
có bức chân dung thân phụ cô Emily vẽ bằng chì than.
Họ đứng dậy khi cô Emily vào, người cô thấp và mập bận đồ đen, đeo một
dây chuyền mảnh bằng vàng xệ tới bụng buông lẫn vào trong dây lưng. Cô
chống một cây gậy gỗ mun có tay cầm bịt vàng đã xạm mày. Cốt cách cô