Thà là chờ đợi cả đời, chứ không thể nhượng bộ xài tạm. Đây là nguyên
tắc yêu đương của Bạch Nhạn.
Sau khi tốt nghiệp cấp hai, Bạch Nhạn học năm năm trong trường đào
tạo y tá, hai năm đầu học môn cơ sở, hai năm sau học môn chuyên ngành,
còn lại một năm thực tập. Hồi tốt nghiệp cấp hai, Bạch Nhạn thi rất tốt,
thầy giáo trường Nhất Trung thành phố Tân Giang còn cất công đến tận nhà
cô, nói chỉ cần cô đến đó học sẽ miễn toàn bộ học phí, tiền sách vở, tiền trọ
học, mỗi tháng nhà trường còn có thể trợ cấp thêm sinh hoạt phí cho cô.
Bạch Nhạn từ chối, bà Bạch Mộ Mai không có ý kiến gì. Đối với
chuyện của Bạch Nhạn, từ khi cô vào tiểu học, bà Bạch Mộ Mai đã để cô
được toàn quyền quyết định.
Thực ra, bà Bạch Mộ Mai cũng chỉ mong sao cô học chuyên ngành. Cấp
hai là giáo dục bắt buộc, không phải tốn mấy tiền. Cấp ba thì khác, nào là
học thêm, nào là tài liệu, phải mất bao nhiêu tiền cho đủ đây? Lại học thêm
bốn năm cơ bản, vèo một cái đã là bảy năm. Bà Bạch Mộ Mai nghĩ thôi đã
thấy phiền lòng, mà ngành y tá chỉ phải học năm năm, học phí lại không
cao, bình thường trường học còn cho tiền trợ cấp, đến khi đi thực tập cũng
có thể kiếm chút tiền công, tốt nghiệp xong dễ tìm việc, xét về mặt nào
cũng thấy thuận lợi. Con gái học nhiều quá, chẳng anh nào dám theo đuổi.
Trường đào tạo y tá là Tây Lương nữ quốc, đến giáo viên cũng đa phần
là nữ, hiếm hoi có được vài ông thầy, nhưng ông thì tóc bạc da mồi như cây
cổ thụ dày đặc vòng tuổi, ông thì ốm tong teo như cành tre khô, đầy dấu vết
bể dâu năm tháng, muốn mơ tưởng hão huyền một chút cũng thấy khó
khăn.
Liễu Tinh nói cái trường này tính toán cũng chu toàn, nếu có một chàng
đẹp trai xuất hiện, một đám con gái háo sắc xông vào xâu xé, không khéo
mất mạng như chơi.