Bà Bạch Mộ Mai đã tới, ngồi ở góc trong cùng sát cửa sổ trên tầng hai,
tóc búi sau gáy, mặc một chiếc áo len thụng màu xanh đậm. Trời se lạnh,
gương mặt bà trắng ngần, chống cằm nhìn ra ngoài cửa sổ, tựa như một bức
tranh sơn dầu sinh động, tiếng dương cầm trong quán cà phê dường như
vang lên chỉ để làm nền cho bà.
Khang Kiếm hỏi Bạch Nhạn hai lần:
- Bà ấy là mẹ em?
Bạn bè của Bạch Nhạn không mấy ai đã gặp bà Bạch Mộ Mai.
Trước kia, bà Bạch Mộ Mai cùng đoàn kịch đi lưu diễn khắp nơi, rất ít
khi ở nhà. Họp phụ huynh toàn là Bạch Nhạn tự đi, giáo viên đều là người
bản xứ, lâu dần thành quen, liếc nhìn cô bé con ngồi giữa một đám người
lớn rồi cho qua. Sau này, đoàn kịch không khởi sắc lắm, chẳng ai chịu đi
xem kịch nữa. Bà Bạch Mộ Mai và bạn bè hợp tác mở một công ty tổ chức
sự kiện, càng bận tới mức không thấy bóng dáng đâu. Bây giờ không hiểu
sao lại bỗng quay về với ngày xưa, chỗ nào cũng nói đến truyền thông, bà
Bạch Mộ Mai cũng theo đó mà trở về với sân khấu.
Bà Bạch Mộ Mai đứng trên sân khấu, trang sức lúc lắc đầy đầu, dưới
ánh đèn rực rỡ lóa mắt, hàng chục chiếc đai váy thêu hoa lúc liu rủ ngoài tà
váy hoa, mỗi bước đi, khuyên tai vòng xuyến kêu leng keng, thướt tha như
liễu rủ. Bà ở sau hoa viên yêu đương, nũng nịu giận hờn với chàng thư
sinh. Lúc nhỏ, Bạch Nhạn không hiểu ca từ, nhưng giọng ca réo rắt của bà
Bạch Mộ Mai nghe rất tha thiết. Bạch Nhạn vô cùng xấu hổ, chỉ sợ người ta
biết mình là con gái bà Bạch Mộ Mai, nhưng cả thế giới lại như biết rõ cô
là con gái của bà, chỉ trỏ xì xào sau lưng cô.
Vẻ mặt và câu hỏi của những người bạn Bạch Nhạn có may mắn gặp
được bà Bạch Mộ Mai đều hết sức giống nhau: mắt trợn muốn lòi cả con
ngươi, miệng há hốc, không thể tin được hỏi: Đây là mẹ cậu sao?