Tôi đã từng xem và nghe cá voi ở Greenland, trong vịnh California,
trên bán đảo Valdes và ở mũi Horn nơi hai đại dương lớn siết lấy nhau,
nhưng đây, đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận sự có mặt của chúng ở Địa
Trung Hải. Có nhiều con. Chúng trồi lên khỏi mặt nước với những động tác
oai vệ đặc trưng của loài có vú khổng lồ dưới nước; đầu tiên những cái đầu
gồ lên, rồi những tấm lưng cong trên mặt nước và sau cùng cái đuôi quất
lên những đợt sóng, hoặc lặn xuống như những con bướm sẫm màu kỳ
diệu.
Chúng đã ở vùng này từ thuở xa xưa, rất lâu trước khi người La Mã
gọi tên những bờ vịnh Genoa là “Costa Balenae”, hay nhiều thế kỷ sau này
hẳn chúng ta gọi tên Portofino là “Portus Delphini”. Chúng ở đó, trên Địa
Trung Hải, để nuôi dưỡng trí tưởng tượng, để khơi gợi sự thán phục, để
nhắc nhớ những giới hạn của tồn tại nhân loại, để khơi nguồn cảm hứng
cho những truyền thuyết như truyền thuyết về Leviathan, hoặc đơn giản để
nói với chúng ta rằng trong cuộc sống có chỗ cho mọi loài.
Lúc thấy những con cá voi vùng bờ biển phía Bắc Sardinia này, tôi
không thể kìm cơn run rẩy sợ hãi khi nghĩ đến vùng biển chúng đang sinh
tồn.
Trong lịch sử nhân loại chưa từng có vùng biển nào bị đối xử tàn tệ
như Địa Trung Hải. Bị đánh bắt đến mức nhiều loài bị tuyệt chủng, bị làm
nhục bởi đủ loại hình đánh bắt phi pháp có thể được, và ngang dọc khắp
nơi trên mặt nước những thủy thủ nước ngọt chỉ thấy biển như một trò tiêu
khiển giết thời gian, một công viên giải trí mà họ cũng có thể thấy ở Las
Vegas hay Disneyworld.
Đương nhiên, không có thống kê số lượng mô tô nước hay xuồng thể
thao, loại tốc độ nhanh, nhanh một cách tội ác, ngày ngày vẫn rẽ sóng Địa
Trung Hải. Tuy nhiên có những báo cáo, dù ngắn gọn, về tình trạng va đập
với cá heo và cá heo bị chân vịt chém, hàng trăm lời chứng của các ngư
dân, trên những chiếc thuyền chậm chạp của họ, phải chịu trận tham dự