chỉ cần nói một câu là tôi ăn ngay thôi, ước gì?...
Cả nhà đã ăn xong, chị Tươi đi rửa bát. Sau khi rửa bát chị Tươi chạy ra
hành lang tìm tôi, chị dúi vào tay tôi một gói giấy. Tôi mở ra thấy có bốn
miếng đậu rán vàng, thơm phức không thể nhịn hơn được nữa, tôi ngồi thụp
xuống, quay mặt ra đường, ăn ngấu nghiến. Chưa bao giờ tôi thấy ngon
miệng như thế. Mãi tới chiều, khi bác Thành đi vắng, mẹ tôi dỗ dành mãi
tôi mới chịu ăn cơm. Chị Tươi cũng dỗ tôi, chị còn bảo:
- Đừng giận bố chị. Tính ông ấy thế. Thực ra ông ấy cũng chả sung sướng
gì đâu. Chị thì quen rồi nhưng chỉ thương em.
Nghe chị nói, tôi thấy thương chị, thương mẹ tôi và thương cả tôi nữa. Tôi
càng ghét bác Thành – Sao bác làm khổ nhiều người thế. Mẹ tôi thì ngày
càng buồn phiền, các cơn choáng váng xây xẩm mặt mày nhiều hơn trước.
Những cuộc va chạm giữa mẹ tôi và bác Thành, giữa tôi và bác Thành cũng
ngày càng nhiều hơn.
Một hôm, tôi lấy bút lông, giấy và màu ra vẽ như mọi lần. Tôi vẽ tàu hỏa,
trường tôi, bố Hải và vẽ cả cái nhà của bố Hải nữa. Tôi biết nhà của bố Hải
rồi, vì bố có đưa tôi về chơi mấy lần. Nhà của bố ở cuối đường tàu điện số
bốn mươi lăm phố N, trước cửa nhà có cái cột điện, mặt ngoài nhà là hàng
nước chè. Tôi vẽ hết cái tranh này đến cái tranh khác, hỏng bỏ đi, lại vẽ lại.
Giấy má, màu bút vứt đầy nhà. Vừa lúc ấy thì bác Thành đi làm về, bác cau
có bực tức:
- Làm gì mà bừa bãi ra thế hở Thân?
- Cháu vẽ – Tôi trả lời và nghĩ bụng : “Bác biết thừa đi là tôi vẽ chứ còn
làm gì mà phải hỏi”.
- Vẽ với chả vời, thôi, dẹp đi, tao trông mà phát ngốt lên được.
- Anh làm gì thì cứ làm – Mẹ tôi nói – Cho con nó vẽ một chút. Nó có
nghịch ngợm hư hỏng gì đâu mà khó chịu!
Được mẹ bênh tôi cứ ngang nhiên vẽ, lại còn bày thêm ra để trêu tức bác
Thành vì tôi rất ghét cái cách cứ “Mày mày tao tao” của bác nói với tôi.
Chưa bao giờ bác nói với tôi một lời nhẹ nhàng âu yếm.
- Này – bác nói – Tao bảo một lần nữa đấy: Dẹp đi! Nói không nghe thì
đừng có trách. Vẽ với chả vời! Cái ngữ mày chả bao giờ thành họa sĩ được