đâu!
- Sao anh lại nỡ nói con thế – Mẹ tôi gay gắt – Nó chẳng nghĩ nó sẽ thành
họa sĩ nhưng nó thích vẽ cho vui thôi, cũng như anh đấy, cả ngày anh cứ
phải tính tính toán toán, hẳn đấy cũng là niềm vui của anh.
- À cô lại bảo tôi là tính toán – bác Thành nổi giận – Cô bảo tôi là ky bo
bần tiện chứ gì. Không tính toán thì làm sao bốn cái miệng ở nhà này đủ
sống.
- Bác đừng cáu thế – Tôi cãi liều – Mà bác cũng đừng gọi mẹ cháu là cô.
Ngày trước bố Hải cháu chả bao giờ gọi mẹ cháu là cô và gọi cháu là mày.
- À thằng này láo, tao cứ gọi thế đấy làm gì tao. Lúc nào cũng bố Hải, bố
Hải. Thử đi mà ở với bố Hải xem bố Hải mày có nuôi được không. Đừng
có cái thói “Ăn một nơi, ấp một nơi”.
- Anh Thành – Mẹ tôi quát lên – Anh không được nói con thế. Nếu nó có
lỗi thì dạy bảo nó đàng hoàng.
- Cô bảo sao – Bác quát lại – Dễ tôi phải thờ nó chắc. Nó có phải là bố tôi
đâu.
Bác điên tiết chạy lại vơ mấy cái tranh của tôi vò nát, rồi định ném ra cửa.
Tôi uất ức nhảy chồm lên túm áo bác vừa hét vừa la khóc:
- Ông ác lắm, tôi ghét ông, tôi thù ông.
- Này thì thù – Bác ném nắm tranh đi và tiện tay cho tôi một cái tát.
Sự việc xảy ra thật nhanh, mẹ tôi không kịp ngăn, mẹ chỉ kịp lao vào gỡ tôi
ra khỏi bác, mẹ cũng la hét và khóc lóc. Sau tôi cũng chẳng còn nhớ là lúc
ấy mẹ đã la hét và nói những gì. Khi ấy chị Tươi đi học chưa về.
Trưa hôm sau, khi tan học tôi rẽ qua nhà nhân lúc mẹ và bác Thành chưa đi
làm về, tôi nhét một mảnh giấy đã viết sẵn vào khe cửa: “Mẹ ơi, con xuống
chơi bố Hải, mẹ đừng lo”. Sau đó tôi chạy ngay xuống phố nơi trạm đỗ tàu
điện, vừa kịp chuyến tàu. Tôi leo lên tàu và len lỏi vào trong. Lúc này tôi
hơi lo, vì trong túi tôi chẳng có xu nào, nhưng hy vọng là tôi thấp bé, tàu lại
đông, người soát vé không trông thấy.
- Ê nhóc con, vé mày đâu?
- Cháu không có vé – Tim tôi đập thình thình – Xin chú cho cháu đi nhờ.
- Không nhờ vả gì cả, lấy vé đi.