thì cho bạn ấy hạt dưa.
Thư thứ sáu:
Ơi giời ơi, cô Thu có biết không? Hôm nay cháu suýt chết. Buổi sáng, cháu
ở nhà một mình, đang chán quá, cháu nghe thấy tiếng cười đùa của bọn trẻ
con hàng xóm nhà cháu. Cháu nghễn cổ nhìn qua cửa kính và nhe răng ra
cười với chúng nó thế là một thằng trong bọn nó ném đánh choang một cái
vào mặt cháu, may mà còn có lớp kính, nên chỉ vỡ kính cửa thôi. Sao nó ác
thế hở cô? Cháu có làm gì nó đâu! Ác có phải là một bệnh không? Và có
thể chữa cho khỏi ác được không cô? Bây giờ thì mẹ cháu đã lấy những
miếng gỗ che tất cả kính cửa sổ lại. Thế là nó chẳng ném được cháu và
cháu cũng chẳng nhìn ra ngoài được nữa.
Thư thứ bảy:
Hôm nay mẹ cháu đọc hết cả những thư cháu viết cho cô, vì cháu để trong
ngăn kéo bàn cháu mà chưa kịp gửi. Vả lại cháu chưa hỏi mẹ cháu địa chỉ
của cô. Mẹ cháu cứ bảo là cháu chỉ viết những chuyện vớ vẩn, làm phiền cô
thôi. Mà cô thì còn bận nhiều việc, sao mẹ cháu lại nói thế nhỉ? Cháu toàn
viết những chuyện thật cả chứ có chuyện nào vớ vẩn đâu. Chắc cô chẳng
nghĩ như mẹ cháu. Cô còn hiểu được cả những điều người ta không nói ra
kia mà. Vậy cô sẽ hiểu cháu.
Thư thứ tám:
Cô ơi, cô viết thư cho cháu đi và cô cho cháu cả một cái ảnh của cô nữa
nhé. Cháu cứ nghĩ là cô hay mặc áo màu hồng. Cô tươi cười. Cô biết nhiều
chuyện để kể cho người ốm nghe. Cô lại biết tiêm không đau nữa, phải
không cô?
Bây giờ, trong ngăn kéo của Hương có tới trên dưới mười lá thư Hương
viết cho cô Thu. Thư không có địa chỉ, ngày tháng gì và chẳng bao giờ gửi
đi đâu.
Đúng là bé Hương có người cô tên là Thu, làm y tá ở Hà Nội thật. Cô
không hoàn toàn giống như Hương tưởng tượng. Cô làm ở bệnh viện nhi,
năm nay cô hai mươi tám tuổi. Cô hay mặc áo kẻ và áo màu sẫm chứ không
mặc áo hồng như Hương nghĩ. Vì cô đang có con nhỏ, mặc như vậy cho đỡ
bẩn. Cô là một y tá chăm chỉ, biết làm tròn bổn phận. Những tối không phải