Mẹ ngồi trên ghế đá, đăm đăm nhìn ra mặt sông, còn bố thì luôn xem đồng
hồ và đứng lên ngồi xuống. Một tiếng còi tàu vọng lại, con tàu trắng đang
từ xa tiến tới. “Tàu Thái Bình về rồi kìa”. Bố mẹ Hưng đứng dậy đi nhanh
ra phía ấy. Con tàu cứ thong thả như chẳng biết sốt ruột, gần bến rồi mà nó
còn chưa chịu vào cứ vùng vằng mãi như đứa trẻ đang dỗi. Mãi rồi con tàu
cũng ghé sát được vào bờ. Cái đầu tàu vừa được hạ xuống thì mọi người
trên tàu đã chen lấn nhau. Họ làm như không lên ngay thì con tàu lại chạy
và mang họ đi mất ấy. Tiếng la mắng, tiếng gọi nhau í ới… Hình như trong
đám đông dưới tàu có người đang gọi bố mẹ Hưng. Đấy là một người phụ
nữ trạc tuổi mẹ Hưng, mặc áo sơ mi hồng, một tay xách túi du lịch, tay kia
dắt một cậu bé chừng mười ba, mười bốn tuổi đang bước xuống cầu tàu. Bố
Hưng vội chạy lại đỡ cái túi trên tay người đàn bà; mẹ Hưng dắt cậu bé ấy
lại, nói với Hưng:
- Kia là dì Nhung, dì của anh Hà con, và đây là anh Hà, con làm quen với
anh đi!
Nói rồi mẹ lại quay về phía dì Nhung hỏi han tíu tít. Qua câu chuyện giữa
dì Nhung và bố mẹ, Hưng được biết: “Mẹ của anh Hà được nhà nước cho
đi học ở Liên Xô, nên mẹ anh nhờ dì Nhung đưa anh lên ở với bố mẹ
Hưng.” Hưng chẳng thích tí nào. Từ nay Hưng chẳng còn phải là đứa được
chiều chuộng, yêu quý độc nhất ở trong nhà nữa. Vả lại cái anh Hà ấy ngoài
con mắt xếch ra thì nước da lại đen nhẻm, trông còn chán hơn cả trong ảnh
nữa kia!
- Em Hưng đây hở má? – Hà rụt rè hỏi (Hà gọi mẹ Hưng là má để phân biệt
với tiếng gọi mẹ mà Hà vẫn gọi mẹ đẻ ra Hà).
- Ừ, các con đưa nhau đi trước.
Hà ngượng nghịu nắm lỏng cổ tay Hưng dắt đi, Hưng rút nhẹ tay ra nhưng
vẫn đi bên Hà mà không nói một tiếng nào.
Hà đã xin được vào học ở một trường phổ thông Hà Nội. Mọi việc dường
như đã ổn nhưng mẹ Hưng lo lắng thấy anh em Hưng vẫn chưa hoàn toàn