Người đàn ông đeo kính một mực khẳng định rằng công ty của ông ta
không hề liên quan, không phải chịu ảnh hưởng gì đáng kể.
Người đàn ông này là người của công ty quản lý, sản xuất thiết bị đường
ống cho các nhà máy phát điện hạt nhân. Hôm nay ông ta đến trường đại
học của Sota thuyết trình về công ty với mục đích tuyển dụng nhân sự.
Sota hiện đang theo học ngành số hai khoa Vật lý năng lượng, nói cho
ngắn gọn là khoa Công nghệ hạt nhân. Sở dĩ có chuyện đổi tên này là vì
nhà trường cần tạo hình ảnh tốt đẹp hơn cho khoa. Sức hấp dẫn của khoa
giảm đến mức họ cần phải làm như vậy. Tuy nhiên, hồi nhập học, Sota vẫn
cảm thấy ngành hạt nhân sẽ có tương lai. Anh nghĩ, rõ ràng đã qua cái thời
mà con người dựa dẫm vào các loại nhiên liệu hóa thạch rồi, trong khi nhiệt
điện hay điện gió vẫn còn nhiều hạn chế. Lợi thế giảm phát thải CO
2
cũng
sẽ tạo đà cho sự phát triển của ngành năng lượng hạt nhân. Nghĩ thế nên
Sota đã chọn ngành mà anh ‘cảm thấy sẽ có tương lai’ này.
Thế nhưng thảm họa động đất sóng thần và sự cố nhà máy điện hạt nhân
Fukushima đã xé tan tấm bản đồ tới tương lai của anh. Dường như nhiều
sinh viên khác cũng có chung một nỗi niềm ấy. Từ trước đến giờ hầu như
họ đều đi theo con đường định sẵn là làm việc tại các công ty liên quan đến
năng lượng hạt nhân theo giới thiệu của giáo sư, nhưng bây giờ số người
chọn xin việc tại các công ty không liên quan đến chuyên ngành đang tăng
lên. Các công ty trong ngành này cho rằng khuynh hướng đó sẽ còn tiếp
diễn nên đành phải tích cực tăng cường các hoạt động đảm bảo nhân lực.
Buổi thuyết trình hôm nay cũng là vì nguyên nhân đó. Thật trớ trêu khi mà
sinh viên các ngành khác lại đang rất khó khăn trong chuyện xin việc.
Sau buổi thuyết trình, Sota cùng Fujimura đi tới một quán cơm suất ở
gần trường.
“Này Gamo, mày tính thế nào?” Fujimura dừng đũa hỏi.
“Chuyện xin việc hả?”
Fujimura gật đầu khi nghe Sota hỏi lại.
“Bố mẹ tao muốn tao làm việc cho một công ty không liên quan đến
năng lượng hạt nhân.”