Cả nhóm vội vã băng qua một khoảnh sân nhỏ, đi qua lối vào dành cho
khách du lịch và tiếp tục đi tới nơi ban đầu là lối vào chính của tòa nhà - ba
cổng tò vò khắc sâu với những cánh cửa đồng đồ sộ.
Hai nhân viên an ninh có vũ trang đang đợi sẵn để đón họ. Ngay khi nhìn
thấy Mirsat, những nhân viên này mở khóa một cánh cửa và đẩy mạnh ra.
“Sağ olun”, Mirsat nói một trong những cụm từ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ mà
Langdon quen thuộc - một cách nói “cảm ơn” đặc biệt lịch thiệp.
Cả nhóm bước qua, và các nhân viên an ninh lập tức đóng những cánh
cửa nặng nề phía sau lại, tiếng va chạm vang vọng khắp không gian nội thất
bằng đá.
Giờ Langdon và mấy người kia đang đứng ở sảnh của Hagia Sophia - một
dạng phòng chờ hẹp vốn rất phổ biến trong các nhà thờ Thiên Chúa giáo, có
chức năng như một khu đệm kiến trúc giữa không gian linh thiêng với
không gian trần tục.
Đường hào tinh thần, Langdon thường gọi khu vực này như vậy.
Cả nhóm đi về phía những cánh cửa tiếp theo, và Mirsat đẩy một bên cửa
mở ra. Phía sau, thay vì nhìn thấy điện thờ như dự đoán, Langdon lại thấy
một sảnh thứ hai, lớn hơn cái đầu tiên một chút.
Sảnh nội, Langdon nhận ra ngay, dù quên mất rằng điện thờ của Hagia
Sophia có đến hai tầng bảo vệ cách ly với thế giới bên ngoài.
Như thể để chuẩn bị cho khách tham quan về những gì nằm ở phía trước,
khu sảnh nội này được trang trí cầu kỳ hơn hẳn khu sảnh ngoài, các bức
tường đều được làm bằng đá mài bóng loáng nên bắt sáng từ những ngọn
đèn chùm rất đẹp. Langdon chăm chú ngắm nhìn bốn cánh cửa ở đầu bên kia
của không gian trầm lắng này, phía trên có những bức gốm khảm vô cùng
ngoạn mục.
Mirsat bước tới cánh cửa lớn nhất - một cánh cổng đồ sộ bọc đồng.
“Hoàng môn”, Mirsat nói khẽ, giọng anh ta nhẹ hẫng nhưng vẫn hết sức
nhiệt thành, “cho tôi hỏi, có cái gì các vị đặc biệt muốn xem ở bên trong
không?”
Langdon, Sinskey và Brüder đều nhìn nhau.