Phần mái vòm vàng lấp lánh, thường gọi là “mái vòm của Thiên đường”,
được đỡ bằng bốn khung tò vò cực lớn và những khung này lại được cố định
bằng rất nhiều kết cấu nửa vòm và lá nhĩ. Rồi lại có một tầng nửa vòm và
dãy cuốn nhỏ hơn đỡ dưới các chi tiết này, tạo ra hiệu ứng như thể một thác
nước gồm toàn những dạng thức kiến trúc đang từ trên trời tìm đường xuống
trái đất.
Chạy từ trên trời xuống đất, mặc dù theo một lộ trình trực tiếp hơn, những
sợi cáp dài từ mái vòm lao thẳng xuống và đỡ cả một biển chúc đài được
treo thấp đến mức những vị khách cao lớn rất dễ va phải chúng. Nhưng thực
tế, đây lại là một ảo giác nữa do sự hoành tráng của không gian này tạo ra,
bởi lẽ những ngọn chúc đài đều treo cao cách sàn gần bốn mét.
Cũng như với tất cả các điện thờ khác, kích thước đồ sộ của Hagia Sophia
nhằm hai mục đích. Thứ nhất, nó là bằng chứng trước Chúa về những gì con
người sẵn sang thực hiện để tỏ lòng tôn kính với ngài. Và thứ hai, nó là hình
thức gây sốc với các tín đồ - một không gian vật lý hung vĩ đến mức những
người bước vào đều cảm thấy mình trở nên nhỏ bé, cái tôi của họ tan biến,
cái bản thể vật chất cùng tầm quan trọng của họ chỉ còn là một chấm nhỏ
nhoi trước Chúa - nguyên tử trong bàn tay của Tạo hóa mà thôi.
Chừng nào con người chẳng là gì cả thì Chúa cũng chẳng thể tạo ra được
gì từ anh ta. Martin Luther từng nói những lời này vào thế kỷ XVI, nhưng
quan niệm đó đã nằm trong tư duy của những người xây dựng từ thời có
những hình mẫu xưa nhất của kiến trúc tôn giáo.
Langdon liếc nhìn Brüder và Sinskey, cũng đang chăm chú nhìn lên và lúc
này mới hạ ánh mắt xuống.
“Chúa Jeus”, Brüder nói.
“Phải!” Mirsat hào hứng nói. “Và cả Thánh Allah cùng Đức Muhammad
nữa!”
Langdon phì cười khi anh chàng hướng dẫn viên của họ bảo Brüder nhìn
bàn thờ chính, nơi này có một bức tranh gốm khảm cao ngất hình Chúa Jeus
kèm hai bên là hai chiếc đĩa lớn có tên bằng tiếng Ả Rập của Muhammad và
Thánh Allah theo kiểu thư pháp trang trí.