Không còn gì để tò mò về cô hiệu mới nữa. Thầy trò gì cũng não nề ra
mặt. Hai cậu nhỏ, được đứng yên một góc. Bắt đầu lễ chào cờ. Thầy Lương
gọi hai em ra cầm dây kéo cờ như thường lệ. Cô hiệu, đứng lại ở hàng ngũ
thầy cô, nhưng cũng phải dợm tới một bước, dành chỗ riêng long trọng.
Thay vì để cho thầy học vụ cùng đội cờ đỏ lo việc sửa soạn buổi lễ chào cờ,
thì chính cô phải đích thân điều khiển.
- Tất cả. Nghiêm.
Cô đảo mắt một lượt. Rồi thẳng người :
- Lễ chào quốc kỳ bắt đầu.
Rồi như một nhạc trưởng, cô đưa tay lên đánh nhịp. Ðoàn quân Việt Nam
đi, sao vàng phật phới, bước chân rền vang trên đường gập ghềnh xa...
Các thầy cô đều nghiêm trang hát theo. Cô hiệu trưởng, tới câu "bước
chân rền vang" bước tới một bước, người lắc lư như đoàn quân đi. Cái cảnh
cô nhấp nhỏm với điệu bộ oai hùng, có thể làm kẻ sắp đâm đầu xuống biển
tự vận thì cũng phải dừng lại, cười một cái đã. Vậy mà sao tất cả đều ngoan
ngoãn quá chừng. Bài Quốc ca, bình thường, hát ư ử trong miệng. Nay mọi
người như rống lên, vang vang hào hùng theo bước nhịp tại chỗ của cô
hiệu.
Tan lễ. Chưa yên. Còn thêm vài lời ngỏ với thầy cô. Lời nhớ đời của cô :
Tôi mong từ nay, chúng ta cùng sát cánh bên nhau, nâng cao đạo đức cùng
phẩm giá học sinh. Việt mà cấp trên đòi hỏi ở chúng ta, đầu tiên là : đại yêu
cầu. Rồi mới tới vượt chỉ tiêu. Ðạt rồi mới vượt, chớ vượt rồi mới đạt thì...
Bài bản tắc ti ở đó.
Nhẹ nhàng thôi. Tất cả theo hàng, về lớp học. Hai tội nhân tí hon, đầu
trần, đưa hai tay lên khỏi đầu trong tư thế đầu hàng, và đứng dưới lá cờ cho
tới lúc tan học.
Phượng Hồng thở ra :
- Ghê quá, mới hành quân đã bắt sống được hai tên địch.
Thôi, suốt buổi học, lớp nào cũng chỉ có chuyện cô hiệu mới. Như mọi
năm, những buổi học đầu, thầy trò còn kháo chuyện tết nhứt, đôi khi còn
nhắc tới cả bầu cua cá cọp. Nhưng cô hiệu trưởng, từ phút đó, đã rà rà hành