Nhưng giờ thì dường như không phải như thế nữa, hiện đã có một giếng
khoan ngầm để cấp nước cho ao Hoa Súng.
“Đi nào, Neptune. Chúng ta đi tiếp nào.”
Tôi giơ cây gậy về phía nó để nó khỏi gí mũi vào cái lỗ thủng rách toạc
trên chiếc áo vest xám của Jérôme Morval. Vết thương thứ hai của anh ta.
Ngay giữa tim.
“Đi nào! Chúng ta sẽ không ở đây lâu.”
Tôi nhìn lại lần cuối khu giặt ngay trước mặt rồi tiếp tục đi dọc con
đường. Không có gì để nói, mọi thứ đều được gìn giữ hoàn hảo. Đám cây
um tùm nhất đều được cưa tận gốc. Các sườn dốc đều nhẵn cỏ. Phải nói
rằng, mỗi ngày có vài ngàn du khách đi lại trên con đường này. Một chiếc
xe nôi, một người khuyết tật trên xe lăn, hay một bà cụ chống gậy. Như tôi
chẳng hạn!
“Đi nào, lại đây, Neptune.”
Tôi quay lại nhìn ra xa, nơi con sông Epte rẽ thành hai nhánh được khép
kín nhờ một con đập và một thác nước. Phía bên kia, hẳn là khu vườn ao
của Monet, những cây hoa súng, chiếc cầu Nhật Bản, những dải đồi… Thật
lạ lùng, tôi sinh ra ở đây năm 1926, năm Claude Monet qua đời. Nhiều năm
sau khi Monet mất, tầm gần năm mươi năm, khu vườn ao này đã bị đóng
cửa, lãng quên và bỏ hoang. Nay thì mọi sự đã vào guồng và mỗi năm có
hàng chục ngàn du khách Nhật Bản, Mỹ, Nga hay Úc từ khắp nơi trên hành
tinh tới đây chỉ để đi dạo ở Giverny. Khu vườn ao của Monet đã trở thành
một ngôi đền linh thiêng, một thánh địa Mecca, một nhà thờ… Ngoài ra,
hàng ngàn khách du lịch ấy sẽ sớm đổ về đây thôi.
Tôi nhìn đồng hồ. 6 giờ 02 phút. Còn một vài giờ nghỉ ngơi.
Tôi tiếp tục đi.
Giữa hàng dương và vô vàn những cây cúc móng ngựa, bức tượng
Claude Monet giận dữ nhìn tôi chằm chằm như một người hàng xóm đang
nổi giận, chiếc cằm bị râu che khuất và đầu đội tóc giả trông gần giống
chiếc mũ rơm. Phần bệ bằng ngà ghi rõ bức tượng bán thân đã được khánh
thành vào năm 2007. Tấm biển gỗ gắn bên cạnh nêu rõ rằng chủ nhân khu
vườn giám sát ‘đồng cỏ’. Đồng cỏ của ông ta cơ đấy! Những cánh đồng, từ