đau khổ, và có ai đó đã ra đi mãi mãi. Chúng ta sẽ đợi, trở nên già dặn hơn,
nhưng không phải là già nua, chỉ ngày gần tới cái giới hạn mà lúc nào đó
chúng ta sẽ đạt được số phận hạnh phúc của kẻ mang cái tên vui nhộn, đáng
yêu mà thuở ban đầu chúng ta được gọi như vậy.
— Buratino phải không bà?
Bà gật đầu.
Tôi biết là Bà nói gì. Cái ngày đó, như trong chuyện cổ tích xa xưa, khi
Buratino tốt bụng và dũng cảm – con rối gỗ không hồn đã xứng đáng hưởng
quyền trở thành con người sống thực. Và bỗng nhiên tôi trông thấy tất cả
những Buratino, những Fantoccini ấy, cả một thế hệ đó: họ trao đổi kiến
thức và kinh nghiệm với nhau, thầm thì trò chuyện trong căn phòng khách
rộng dành cho việc đó và chờ đợi ngày mà chúng tôi đã biết là sẽ không bao
giờ tới.
Hẳn là Bà đã đọc được những ý nghĩ ấy trong mắt tôi.
— Chúng ta hãy chờ xem. – Bà nói. – Cứ sống đi rồi sẽ thấy.
— Ôi, Bà ơi! – Agatha không cầm được, bật khóc như bao năm trước đây.
– Bà không phải đợi chờ đâu. Lúc này Bà đang sống thật đấy. Bao giờ Bà
cũng sống thật vậy. Đối với chúng cháu, bao giờ Bà cũng là như thế!
Nó nhảy lên ôm cổ Bà và tất cả chúng tôi cùng lao đến ôm lấy bà, và hôn
Bà của chúng tôi, còn sau đó chúng tôi rời ngôi nhà ra đi. Những chiếc máy
bay trực thăng đưa chúng tôi đến những trường trung học xa xôi và vào
những năm tháng xa xôi. Những lời cuối cùng của Bà trước khi chúng tôi
bay lên bầu trời mùa thu là:
— Khi nào các cháu trở nên già nua, các cháu sẽ bất lực và yếu đuối như
trẻ nhỏ, khi các cháu lại thấy cần sự chăm sóc và âu yếm, các cháu hãy nhớ
tới người bảo mẫu già xưa kia, người bạn ngốc nghếch mà đồng thời lại
thông thái thuở ấu thơ của các cháu và hãy gọi Bà tới. Bà sẽ đến, thời ấu thơ
của các cháu lại sẽ trở nên ồn ào náo nhiệt và rực rỡ.