Khi đôi mắt trống rỗng của cậu bé lướt qua đám đông người xem đang
thích thú, cậu chầm chậm cười theo điệu cười của họ và dần dần chuyển
thành một kiểu cười nhăn nhở, ngập ngừng trước một trò đùa mà cậu không
hiểu.
Tôi thấy trong lòng khó chịu khi nhìn nụ cười ngây ngô, ngớ ngẩn của
cậu bé - đôi mắt to, sáng của một đứa trẻ, ngập ngừng nhưng sẵn sàng làm
vui lòng người khác, và tôi thấy mình đã nhận ra điều gì ở cậu. Họ đang
cười nhạo cậu bởi vì cậu thiểu năng.
Và ban đầu tôi cũng cười đùa với mọi người.
Đột nhiên, tôi thấy giận mình và giận cả những ai đang cười nhạo cậu
bé. Tôi muốn cầm lấy đám đĩa ném đi. Tôi muốn đập vỡ những khuôn mặt
đang cười cợt kia. Tôi nhảy dựng lên và hét: “Im đi! Để cho thằng bé yên!
Nó không hiểu gì cả. Nó cũng đâu muốn vậy... nhưng vì Chúa, hãy tỏ ra tôn
trọng một chút! Nó cũng là con người!”
Cả nhà hàng im lặng. Tôi tự rủa mình đã mất bình tĩnh và làm một trò
lố, vì thế lúc trả tiền tôi cố gắng không nhìn cậu bé và bước ra ngoài mà
chưa đụng đến chút thức ăn nào cả. Tôi thấy xấu hổ cho cả mình lẫn cậu bé.
Thật lạ lùng là những người lương thiện và lành lặn không hề lợi dụng
người bẩm sinh cụt chân cụt tay hoặc mù mắt - sao họ không mảy may
động lòng khi ngược đãi một người khi sinh ra đã bị thiểu năng trí tuệ. Tôi
giận điên lên khi nhớ rằng mới cách đây không lâu, tôi - cũng giống như
cậu bé này - đã ngốc nghếch làm hề cho thiên hạ.
Vậy mà tôi suýt quên mất.
Chỉ mới đây thôi, tôi hiểu rằng người ta cười nhạo mình. Giờ thì tôi có
thể thấy mình đã vô tình cùng với mọi người cười nhạo chính mình. Đau
nhất là ở chỗ ấy.